Mô hình nuôi tôm TL547 đầu tư thấp – hiệu quả cao

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Tiếp bước những thành công của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhiều giai đoạn TLSS (Thang Long Smart System), Tập đoàn Thăng Long lại tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao thành công mô hình nuôi mới TL547 tới người nuôi vào tháng 2/2023.

Mục đích Thăng Long đưa ra mô hình TL547 do xét thấy diện tích nuôi tôm trong ao đất ở Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ cao, trong khi đó với việc áp dụng đơn thuần cách nuôi truyền thống hiện nay tỉ lệ thành công rất thấp, nguyên nhân chính là do việc kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu vào chưa tốt. Sau khi tìm hiểu và phân tích các điều kiện cụ thể, các vấn đề tồn tại của mô hình nuôi ao đất truyền thống, đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn đã thay đổi từ khâu thiết kế, quy hoạch tới bổ sung vào quy trình những giải pháp kỹ thuật, các sản phẩm bổ trợ phù hợp với mục tiêu giúp nâng cao tỉ lệ thành công, giảm chi phí sản xuất qua đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giúp người dân nuôi tôm trong ao đất được phát triển bền vững.

Mô hình “TL547” là mô hình nuôi tôm công nghiệp trên ao đất được lót bạt bờ. Mô hình trước khi chuyển giao đến tay người nuôi đã được vận hành, thử nghiệm, cải thiện suốt 2 năm tại các trang trại thực nghiệm của Tập đoàn Thăng Long. Điểm then chốt của quy trình này tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi đó là nước nguồn phải được xử lý sạch trước khi cấp vào ao nuôi, loại bỏ bớt chất thải và chia nuôi nhiều giai đoạn.

Ưu điểm của mô hình TL547

  • Dễ áp dụng, dễ vận hành, phù hợp nhiều vùng nuôi.
  • Đầu tư thấp, giá thành thấp, mang lại hiệu quả cao.
  • Kiểm soát rủi ro, nâng cao thành công.

 

Quy hoạch và thiết kế: Một tổ hợp nuôi tốt nhất thiết cần có 1 ao gièo diện tích khoảng 500m2 và 2 ao nuôi có diện tích 1.000 – 2.000m2. Việc thiết kế ao nuôi cũng là điểm cần lưu ý vì nó liên quan đến việc kiểm soát môi trường và quyết định năng suất của mỗi vụ nuôi. Ao nuôi được thiết kế hình vuông được bo tròn các góc hoặc hình tròn (hình tròn là tốt nhất), toàn bộ xung quanh bờ ao được lót bạt HDPE loại 0,3mm; vị trí trung tâm ao được thiết kế hệ thống loại bỏ chất thải (hố siphon); phần đáy ao có thể lót lưới hoặc để đất tự nhiên. Để giúp cho việc nuôi trồng thuỷ sản bền vững và an toàn sinh học cho vùng nuôi chung, mỗi trang trại nuôi trồng thuỷ sản nên duy trì một phần diện tích 5-7% để phục vụ khâu xử lý nước và chất thải trong quá trình nuôi, nước sau khi đã qua sử dụng trước khi đưa trở lại môi trường phải đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định của cơ quan quản lý.

 Xử lý nước: Là khâu quan trọng nhất trong mô hình TL547, diện tích dùng cho khâu chuẩn bị và xử lý nguồn nước cần đạt 40-50% tổng diện tích canh tác. Nước trước khi vào hệ thống ao nuôi cần phải được xử lý sinh học và hoá học nhằm loại bỏ hầu hết mầm bệnh đặc trưng có thể gây hại cho tôm nuôi.

Nuôi nhiều giai đoạn: Mỗi vụ nuôi được chia làm 2 giai đoạn cơ bản, giai đoạn 1 khoảng 30-40 ngày nuôi, đây là “giai đoạn gièo” nhằm mục đích dưỡng giống và đảm bảo an toàn cho tôm khi mới vào môi trường ao nuôi. Giai đoạn 2 được coi là “giai đoạn thúc tăng trưởng” giúp tôm đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất có thể và đạt trọng lượng thân cao, giai đoạn này thường kéo dài thêm 40-50 ngày. Giữa các vụ nuôi được áp dụng nguyên tắc “chồng vụ”, “gối vụ” điều này nhằm tận dụng được thời gian nuôi, giúp tăng số vụ nuôi, tiết kiệm chi phí vận hành và giúp nuôi tôm về kích cỡ lớn. Trong suốt quá trình nuôi chất thải thường xuyên được loại bỏ ra khỏi ao nuôi, việc này thường được tiến hành tự động qua hệ thống ống xả lắp sẵn đối với những ao cao triều hoặc dùng máy bơm để vận hành.

Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Thăng Long đã chuyển giao quy trình nuôi TL547 cho 64 hộ nuôi tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang và Sóc Trăng. Trong đó tỉ lệ thành công tính đến thời điểm hiện tại đạt 76% (32/42 mô hình đã thu hoạch). Một trong những điểm được người dân đánh giá cao đó là việc áp dụng quy trình TL547 không quá phức tạp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, người dân dễ áp dụng và vận hành. Cùng với đó là chi phí đầu tư, cải tạo và giá thành nuôi thấp. Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu đang thấp như hiện nay thì mô hình TL547 đã phát huy được tác dụng và được coi là giải pháp hiệu quả.

Trong thực tiễn sản xuất ở các vùng miền khác nhau, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nguồn nước, tiềm lực tài chính của khách hàng cũng có sự khác nhau. Do đó, với chiến lược kinh doanh lấy phục vụ làm nền tảng, lấy hiệu quả nuôi của khách hàng làm trung tâm, Tập đoàn không ngừng tìm hiểu, thử nghiệm và áp dụng các quy trình nuôi khác nhau với mục đích sẽ đưa ra những mô hình phù hợp nhất với mỗi một đối tượng nuôi, thông qua việc quy hoạch thiết kế, thức ăn, chế phẩm sinh học và con giống thích ứng nhằm đảm bảo giúp người nuôi dễ áp dụng, dễ vận hành, kiểm soát được rủi ro, nâng cao sức khoẻ tôm, tăng trưởng nhanh, giảm được chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau 6 tháng triển khai đại trà cho khách hàng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mô hình TL547 đã gặt hái được những thành công bước đầu và được sự đón nhận rất tích cực từ phía khách hàng. Sau Hội chợ Fistech 2023 tại thành phố Hạ Long – Quảng Ninh, Tập đoàn đã giới thiệu về mô hình này và đã được một số trang trại nuôi tại các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An… liên hệ với bộ phận kỹ thuật ứng dụng để có thể tiếp nhận chuyển giao quy trình trong thời gian tới đây.

Ông Lê Ngọc Ân (tại ấp Bắc, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) với trạng thái vui mừng chia sẻ: “Được sự tư vấn của Tập đoàn Thăng Long tôi đã mạnh dạn áp dụng theo quy trình mới TL547, ngày 17/3/2023 tôi thả 1,1 triệu con tôm post sau 101 ngày tôm về được size 30-33 con/kg, mặc dù giá bán tôm thịt tại thời điểm rất thấp nhưng cũng đã mang về lợi nhuận 506 triệu đồng do kiểm soát và giảm được chi phí nuôi”.

“Sức mạnh kinh doanh” của Tập đoàn Thăng Long được xây dựng trên nền tảng chất lượng sản phẩm kết hợp với tinh thần phục vụ kỹ thuật nên đã được rất nhiều bà con nông dân tin tưởng và chọn dùng sản phẩm hiện đang kinh doanh trên thị trường. Trước tình hình nuôi ngày càng khó khăn, sức cạnh tranh thị trường ngày càng lớn, Tập đoàn chúng tôi nhận thấy bản thân cần phải có trách nhiệm với người nuôi và ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam. Do đó, chúng tôi luôn không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển nâng cấp từ việc xây dựng mô hình nuôi mới cho tới xây dựng công thức các sản phẩm phù hợp, nhằm giúp người nông dân nâng cao tỉ lệ thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thành công của Tập đoàn Thăng Long có được chính từ sự thành công của mỗi khách hàng. Mục tiêu cao nhất mà chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu chính là “Sánh bước cùng Thăng Long – Vụ mùa sẽ thành công”!

Tập đoàn Thăng Long