Mô hình nuôi TLSS: Giải pháp giảm chi phí sản xuất nuôi tôm trên ao bạt

[Người Nuôi Tôm] – Tập Đoàn Thăng Long là một trong những nhà cung ứng hàng đầu về lĩnh vực thủy sản tại thị trường Việt Nam. Với phương châm luôn luôn hỗ trợ và đồng hành cùng bà con nuôi tôm trên cả nước bằng cách đưa ra những quy trình nuôi tôm phù hợp với điều kiện thực tế, cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, kinh tế, giúp hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và gia tăng lợi ích kinh tế. 

Mô hình nuôi TLSS giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận 

 

Giảm chi phí sản xuất là yếu tố quan trọng nhất hiện nay của ngành nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của Việt Nam. Nó không những giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho người nuôi mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với các nước nuôi tôm lớn có chi phí sản xuất rẻ và sản lượng lớn như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…

Mô hình nuôi tôm trên ao bạt (nuôi tôm công nghệ cao) đã phát triển rộ thời gian qua trên khắp các vùng nuôi trong cả nước. Nhưng trong hai, ba năm trở lại đây mô hình nuôi tôm “công nghệ cao truyền thống” này đã thật sự không còn hiệu quả kinh tế, do chi phí đầu tư ban đầu quá cao, trong khi lại lạm dụng và tư vấn sử dụng quá nhiều các sản phẩm chưa thật sự cần thiết, đẩy chi phí sản xuất lên quá cao, giá thành sản xuất xấp xỉ với giá bán tôm thịt, khiến người nuôi không còn lợi nhuận.

Để có giải pháp giảm chi phí hiệu quả, Tập đoàn Thăng Long đã đưa ra mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn Thang Long Smart System (viết tắt là TLSS). Chúng tôi không ngừng hoàn thiện, tư vấn cụ thể từng giải pháp và điều chỉnh mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất thực tại của từng khách hàng, để có được chi phí sản xuất hợp lý, chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nên tập trung và áp dụng một số phương án trọng điểm trong quy trình TLSS mà Tập đoàn chúng tôi đã đúc rút ra như sau: 

 

Áp dụng kỹ thuật nuôi nhiều giai đoạn

Tôm thẻ chân trắng cũng là một loài sinh vật, cho nên ở mỗi giai đoạn sinh trưởng nó cũng có những đặc điểm riêng về dinh dưỡng, sức đề kháng và tốc độ tăng tưởng khác nhau. Do đó, việc áp dụng phân chia quá trình nuôi thành nhiều giai đoạn mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, đảm bảo về mặt an toàn sinh học, đặc biệt là ở giai đoạn hậu ấu trùng khi tôm mới được đưa về ương nuôi. Thứ hai, giúp môi trường sống của tôm sạch hơn và dễ dàng quản lý, hạn chế mầm bệnh lây lan phát triển. Thứ ba, việc phân chia nhiều giai đoạn sẽ giúp giảm thiểu chi phí xử lý môi trường cho cùng một lượng con giống, đặc biệt là ở giai đoạn tôm còn nhỏ. Theo ước tính có thể giảm 25 – 30% chi phí cho khâu xử lý môi trường ở giai đoạn từ khi thả giống đến 60 ngày tuổi so với quy trình nuôi một giai đoạn.

 

Sử dụng thức ăn hiệu quả

Theo số liệu thống kê, trong mô hình nuôi tôm trên ao lót bạt, chi phí thức ăn thường chiếm 43 – 50% tổng chi phí sản xuất. Do đó, việc quản lý nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn sẽ mang lại hiệu quả cao trong vấn đề giảm chi phí sản xuất. Trong khi tôm thẻ chân trắng là đối tượng “phàm ăn” nhưng là sinh vật biến nhiệt nên khả năng tiêu hoá của tôm không những phụ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng mà nó còn bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố nhiệt độ. Tập đoàn Thăng Long hiểu rất rõ về đặc tính bắt mồi và khả năng tiêu hoá của tôm nên đội ngũ Nghiên cứu và Phát triển đã cho ra nhiều sản phẩm để đáp ứng tuỳ theo từng giai đoạn nuôi của tôm như: 

Thức ăn chuyên dùng cho giai đoạn ương gièo: Beikesu, Baccarat Fast.

Thức ăn phổ thông với các thương hiệu: Tiger, Lion, Dragon, Bi-Tech.

Thức ăn tăng trọng dành cho tôm thẻ: Baccarat.

Thức ăn chức năng: Baccarat Plus (tạo màu), Baccarat Liver (bảo vệ gan tuỵ), Baccarat Mega (bảo vệ tuyến tiêu hoá).

Trong quy trình nuôi tôm TLSS, chúng tôi khuyến cáo tuỳ theo từng giai đoạn nuôi quý bà con nên cho tôm sử dụng các loại sản phẩm tương ứng. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả tiêu hoá vì mỗi loại thức ăn đều được xây dựng trên công thức và nguồn nguyên liệu đặc trưng. Như vậy sẽ giúp tôm có sức đề kháng tốt, tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi với hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp.

 

Con giống giữ vai trò then chốt

Trong các đối tượng nuôi thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng con giống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh tế sau mỗi vụ nuôi thông qua đặc tính như tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ sống và trọng lượng thân. Một vụ nuôi tôm thường trong khoảng 75 – 100 ngày nuôi. Nếu như có một đàn giống tăng trưởng tốt sẽ rút ngắn lại thời gian nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc giảm đi chi phí xử lý môi trường ao nuôi, chi phí vận hành quản lý ao nuôi, đặt biệt là giảm được rủi ro, vì thời gian nuôi càng lâu rủi ro càng lớn. Cho nên, khi người nuôi muốn nuôi tôm về được kích cỡ nào cần phải hiểu được nguồn gốc và chất lượng con giống mà mình đang nuôi.

Thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng nên trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại Ninh Thuận (Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long chi nhánh Ninh Thuận) đã sử dụng đàn tôm bố mẹ siêu tăng trưởng, cùng với đó là sử dụng các loại thức ăn tươi sống (con dời, mực) cũng như thức ăn tổng hợp được nhập khẩu từ nước ngoài. Quy trình sản xuất giống áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt an toàn sinh học để cho ra những đàn tôm không mang mầm bệnh đặc trưng (WSSV, EHP TPD…), tốc độ tăng trưởng nhanh, có khả năng nuôi về kích cỡ lớn dưới 20 con/kg.

Trên thực tế, mô hình nuôi tôm TLSS trong 3 năm qua đã khẳng định về chất lượng con giống của mình với chương trình Tôm To Xế Xịn khi khách hàng nuôi đạt trọng lượng lớn hơn 50 gam/con (size < 20 con/kg) sẽ có cơ hội nhận giải thưởng là một chiếc xe máy hiệu Future.

Tập đoàn Thăng Long đầu tư xây dựng trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại Ninh Thuận (Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long chi nhánh Ninh Thuận)

 

Kế hoạch mùa vụ nuôi

Như đã phân tích ở trên, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi khá nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Với mô hình nuôi trên ao lót bạt, chúng phát triển rất nhanh trong mùa khô trong điều kiện độ mặn cao, nhưng thường có sức đề kháng kém hơn trong mùa mưa. Do đó, ở các khu vực phía Nam có thể thả mật độ cao trong giai đoạn từ tháng 12 của năm trước đến hết tháng 4 của năm sau, và mật độ giảm dần khi xuất hiện các cơn mưa cũng như độ mặn giảm thấp. Với đặc tính này, người nuôi có thể cân nhắc về mật độ thả phù hợp nhất với điều kiện trang trại của mình, từ đó không những tăng tỉ lệ thành công mà còn nâng cao năng suất, như vậy sẽ giúp giảm chi phí sản xuất.

 

Nguyên vật liệu mới

Trong quy trình nuôi tôm, người nuôi thường phải kết hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau, đặc biệt là trong quy trình xử lý nước để đảm bảo vụ nuôi được thuận lợi và thành công. Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới với chi phí thấp, hiệu quả cao, hoàn toàn có thể cạnh tranh và thay thế các sản phẩm truyền thống trước đây.

Vì thế, người nuôi cần chủ động tìm kiếm, kịp thời nắm bắt các thông tin nuôi trồng mới, để chọn lọc và sử dụng các sản phẩm chất lượng, kinh tế để nâng cao hiệu quả nuôi trồng.

Để có thể giảm thấp chi phí sản xuất cần có một giải pháp tổng thể cho tất cả các thành phần cấu thành nên giá nuôi tôm. Xong, mô hình nuôi nhiều giai đoạn trên ao bạt TLSS của Tập đoàn Thăng Long tập trung vào năm điểm then chốt bên trên, với những ứng dụng này, trong những năm qua mô hình đã mang lại hiệu quả tốt cho người nuôi sau mỗi vụ thu hoạch. Theo số liệu thực tế chúng tôi thống kê được từ người nuôi áp dụng mô hình TLSS của Thăng Long có giá thành sản xuất thấp hơn so với các mô hình nuôi trên ao bạt truyền thống khác vào khoảng 10 – 12%. Cũng chính từ đó, khi giá tôm nguyên liệu giảm ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua như trong giai đoạn tháng 7 tới nửa đầu tháng 8/2024 vừa qua, những khách hàng áp dụng quy trình TLSS của Thăng Long đều đạt được hiệu quả kinh tế khá tốt.

Thách thức cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, trong đó đặc biệt là cạnh tranh về giá, do đó việc kiểm soát giá thành sản xuất là một vấn đề cấp bách. Tập đoàn Thăng Long sẽ tiếp tục theo sát tình hình thị trường để có thể đưa ra những giải pháp và cảnh báo thị trường kịp thời để giúp bà con nuôi tôm vượt qua những khó khăn, tiếp tục duy trì nghề nuôi tôm phát triển bền vững. 

Phạm Văn Hữu

Chuyên viên Kỹ thuật Tập đoàn Thăng Long