Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực đem lại lợi nhuận cao

Tôm càng xanh là một loài giáp xác sinh trưởng tốt trong môi trường nước lợ. Tôm càng xanh rất dễ nuôi, nhanh lớn, ít dịch bệnh và có giá trị dinh dưỡng không kém gì so với tôm thẻ, tôm sú. Tôm càng xanh sống chủ yếu trong môi trường nước ngọt, nhưng có thể sinh trưởng bình thường trong môi trường nước lợ có độ mặn dưới 10 phần ngàn.

Ở giai đoạn ấu trùng sau 18 – 35 ngày, tôm phải sống trong môi trường nước lợ và chuyển sang giai đoạn tôm bột đến khi trưởng thành.Thông thường, tôm càng xanh được nuôi trong ruộng lúa nhưng hiện nay nhiều hộ nuôi đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi hoặc luân canh đem lại hiệu quả cao cho mùa vụ.

Nuôi tôm càng xanh toàn đực đem lại năng suất cao hơn so với con cái

Quá trình sinh trưởng giữa tôm cái và tôm đực gần giống nhau cho tới khi đạt kích cỡ 35 – 40gr thì tôm đực sẽ phát triển nhanh hơn và đạt trọng lượng gấp đôi trong cùng thời gian nuôi so với tôm cái. Tôm đực có kích cỡ đồng đều, thịt thơm ngon, giá tôm thương phẩm dao động từ 200.000 – 400.000 VNĐ/Kg tùy vào kích cỡ thu hoạch. Hiểu được điều đó, nhiều hộ dân đã áp dụng kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực, chọn lọc những con tôm khỏe để tăng năng suất, tận dụng tối đa nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí cho vụ nuôi.

Hiện nay, nuôi tôm càng xanh toàn đực đã được áp dụng rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long tại Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp,… cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên nhiều khu vực tại Bến tre, nuôi tôm càng xanh vẫn theo kiểu 50% tôm cái và 50% tôm đực theo hình thức nuôi xen trong ruộng lúa, mương vườn dừa nên tôm thành phẩm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực đơn giản hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng. Áp dụng quy trình nuôi tôm càng xanh dưới đây rất phù hợp với khả năng tiếp cận của người dân, an toàn sinh học, hạn chế sử dụng thuốc, ngăn ngừa dịch bệnh.

1. Chuẩn bị ao nuôi tôm càng xanh

Ao nuôi tôm càng xanh cần được trang bị đầy đủ hệ thống kênh cấp nước, thoát nước riêng biệt. Khu vực bờ ao cần được gia cố kỹ, đắp hang để tránh thẩm thấu, sạt lở đất khi mưa bão. Bơm cạn nước ao, vệ sinh xung quanh ao nuôi, tiến hành bón vôi và phơi nắng từ 3 – 4 ngày rồi lấy nước vào ao qua lưới lọc. Ao nuôi có mực nước duy trì từ 1,2 – 1,5m. Đặt dòng nước xoay chuyển liên tục, hạn chế được việc đóng rong trên tôm. Xây dựng ao lắng để thay nước 2 lần/ tháng để hạn chế ô nhiễm môi trường.

2. Chọn giống tôm càng xanh toàn đực

Lựa chọn giống tôm càng xanh toàn đực là bước quan trọng nhất, người nuôi có thể chọn tôm giống tự nhiên và tôm giống nhân tạo để nuôi và cần lưu ý một số dấu hiệu sau đây: Tìm kiếm và lựa chọn những con giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh, có đầy đủ phụ bộ, đuôi xòe khi bơi lội, ruột đầy thức ăn. Khi quan sát bể tôm giống cần chọn những con có kích cỡ đồng đều, kích cỡ > 12 mm. Lựa chọn những đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh uy tín, người nuôi có thể tham khảo chọn giống ở Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng và Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh An Giang,… và phải có hợp đồng đảm bảo tỷ lệ đực trên 95%. Thả tôm giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ nuôi từ 10 -15 con/ mét vuông.

3. Quản lý thức ăn
Trong kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực thì việc cho ăn cần phải được theo dõi thường xuyên. Tôm càng xanh ăn mạnh vào ban đêm nên phải cho ăn từ 2 – 3 lần/ ngày rải đều khắp ao nuôi, cho ăn bằng sàng với liều lượng thức ăn từ 10 – 20 gr/ kg. Thường xuyên kiểm tra sàng ăn để xem sức ăn để điều chỉnh cho phù hợp. Cho tôm ăn thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 30 – 40%. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thức ăn tự nhiên như cua, ốc, cá vụn,… Hiện nay, thức ăn công nghiệp cho tôm càng xanh chưa có nên người nuôi có thể tham khảo thức ăn cho tôm thẻ chân trắng.

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực cho năng suất cao

4. Quản lý ao nuôi tôm càng xanh

Tôm càng xanh rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, các yếu tố môi trường, oxy hòa tan,… nên người nuôi cần phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh các chỉ tiêu về mức ổn định. Bố trí từ 2 – 4 giàn quạt để bổ sung sục khí, cung cấp oxy cho ao nuôi tôm. Thường xuyên theo dõi, quan sát đường ruột tôm nhằm đánh giá mức độ bắt mồi và các dấu hiệu bệnh trên tôm thông qua màu sắc, khối cơ,… Vào chu kỳ tôm lột xác cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp kết hợp với sục khí và quạt nước. Bể càng để tôm lớn nhanh, tăng tỷ lệ sống.Bẻ càng ở vị trí khớp gần cơ thể để tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng. Sau thời gian 3- 4 tháng càng tôm sẽ tự mọc trở lại. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở tôm càng xanh. Định kỳ sử dụng các loại chế phẩm sinh học cho ao nuôi. Nuôi tôm càng xanh kéo dài từ 4 – 5 tháng rồi thu hoạch.

Áp dụng kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực có thể đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm cao gấp 2 – 3 lần so với mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa thông thường. Đây là một sáng kiến mới và được nhiều hộ nuôi áp dụng đem lại lợi nhuận cao cho vụ nuôi.

Nguyễn Hữu Vinh
Sở NN&PTNT