Kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nước vùng nuôi tôm nước lợ, nhuyễn thể tại 29 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước

Triển khai thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) giai đoạn từ năm 2021-2025, Cục Thuỷ sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản và chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định NTTS tiến hành quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng NTTS với 172 điểm quan trắc trên tôm nước lợ, nhuyễn thể tại 29 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đối với vùng nuôi tôm nước lợ khu vực phía Bắc: Diễn biến môi trường tháng 06/2023 cho thấy các chỉ tiêu quan trắc như nhiệt độ, pH, DO, N-NO2-, P-PO43-, COD, tảo độc có giá trị này nằm trong ngưỡng cho phép. Độ mặn, N-NH4+, S2-, TSS, Coliform và Vibrio tổng số ở một số điểm quan trắc có giá trị nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép.

Cụ thể: Độ mặn dao động từ 3 – 36 mg/l, có 7,69 % số mẫu ở điểm quan trắc Quỳnh Bảng – Nghệ An có giá trị thấp hơn ngưỡng phù hợp và tại Lăng Cô – Huế cao hơn ngưỡng phù hợp cho nuôi tôm nước lợ theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT (535‰). Nồng độ N-NH4+, trong nước dao động từ 0 – 0,635 mg/l, có 26,92 % số mẫu cao hơn từ 1,1 – 2,1 lần so với giới hạn theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (<0,3 mg/l). Hàm lượng S2- trong mẫu nước cấp tại Thuận An là 0,06 mg/l, vượt ngưỡng giới hạn 1,2 lần. Hàm lượng TSS dao động từ 1,5 – 93 mg/l, có 4/26 mẫu có gia trị cao vượt ngưỡng giới hạn theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT (<50 mg/l).

Mật độ Coliform và Vibrio trong nước nguồn cấp tháng 06/2023 lần lượt dao đông từ 0 – 180.000 cfu/100 ml và 0 – 2.400 cfu/ml, có lần lượt 34,62 % và 15,38 % số mẫu cao vượt giới hạn. Không phát hiện VpAHPND trong nước nguồn cấp.

Chỉ số chất lượng nước (WQI) vùng nuôi tôm nước lợ: So sánh với cùng kỳ năm 2022 thì nguồn cấp trong tháng 06/2023 có chất lượng tốt hơn; có 19/26 mẫu quan trắc có WQI đạt mức tốt đến rất tốt so với 17/26 mẫu trong tháng 6/2022.

Vùng nuôi tôm nước lợ khu vực Nam Trung Bộ: Các thông số nhiệt độ, pH, N-NO2-, DO, S2- (H2S), TSS, coliforms nằm trong giới hạn cho phép (GHCP) và các mẫu nước quan trắc đều âm tính với vi khuẩn V.parahaemolyticus gây AHPND trên tôm nước lợ. Có 6/14 thông số quan trắc định kỳ (độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, COD, P-PO43-, Vibrio spp.) nằm ngoài GHCP (hầu hết xảy ra ở các vùng nuôi nội đồng, gần cửa sông), giảm 01 thông số (Coliforms) so với cùng kỳ năm 2022. Trong các thông số nằm ngoài GHCP thì độ mặn và P-PO43- cùng có 1/26 mẫu vượt GHCP, chiếm 3,8%; độ kiềm có 2/26 mẫu, chiếm 7,7%; COD có 5/26 mẫu, chiếm 19,2%; N-NH4+, có 7/26 mẫu, chiếm 26,9%; Vibrio spp. có 3/26 mẫu, chiếm 11,5%.

Chất lượng môi trường nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ quan trắc trong tháng 6/2023 (đợt 16 và 18) hầu hết ở mức tốt đến rất tốt (VN-WQI=79-97/100), ngoại trừ vùng nuôi Vinh Quang, Đông Điền (Bình Định), Tân Thủy (Khánh Hòa) và Hòa Thạnh 1 (Ninh Thuận) có chất lượng nước ở mức trung bình tại một số thời điểm (VN-WQI=67-68/100). Chất lượng nước có cải thiện nhưng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 (VN-WQI=55-96/100).

Vùng nuôi tôm nước lợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Các thông số pH, nhiệt độ, độ mặn đều nằm trong khoảng giá trị cho phép theo QCVN 0219:2014/BNNPTNT. Chỉ ghi nhận lưu vực bến phà Đại Ân 1, Cầu Cà Lăm, cầu chữ U (Sóc Trăng) và cửa Vinh Kinh (Trà Vinh), Kênh xáng (Bạc Liêu), rạch Rừng Giá (Bến Tre) có giá trị độ mặn thấp hơn 5‰. Hàm lượng DO thấp tập trung trong các thuỷ vực quan trắc thuộc Bạc Liêu. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm N-NO2- (dao động từ 0,002-2,792mg/L, tỷ lệ vượt GHCP chiếm 67%), N-NH4+, (dao động từ 0,012-2,470 mg/L, tỷ lệ vượt GHCP chiếm 52%), Vibrio sp. tổng số (dao động từ 10-2,6×104 CFU/mL, tỷ lệ vượt GHCP chiếm 49%) tập trung chủ yếu ở các thủy vực được quan trắc ở Bạc Liêu và Cà Mau. Ngoài ra ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus chiếm 25% lượt quan trắc, mật độ từ 0-680 CFU/mL.

Chỉ số chất lượng nước (WQI) trung bình trong các thủy vực dao động từ 8-96, ở mức chất chất lượng nước trung bình chiếm 54%, tốt chiếm 21% và rất tốt chiếm 19% và 6% chất lượng nước ở mức xấu.

Các thủy vực quan trắc có chất lượng nước đạt ở mức trung bình, xấu chủ yếu do ô nhiễm cục bộ, các thông số ô nhiễm hữu cơ hoặc mật độ vibrio tổng tăng cao. Kết quả quan trắc ghi nhận 1 số điểm quan trắc như Cống Bể, rạch đường Tắc (Bến Tre), kênh 30/04, kênh Hộ Phòng, Gò Cát, kênh mương 7 (Bạc Liêu) có mật độ vibrio tổng số rất cao, chất lượng nước ở mức xấu cần diệt khuẩn kỹ trước khi lấy nước vào ao nuôi để hạn chế dịch bệnh trong ao.

Vùng nuôi nhuyễn thể khu vực phía Bắc: Các thông số nhiệt độ, pH, độ kiềm, N-NO2-, S2- trong nước vùng nuôi nhuyễn thể có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Độ mặn dao động từ 2 – 34 ‰, trong đó nước vùng nuôi ngao tại Thanh Hoá và vùng nuôi hàu tại Quảng Ninh có giá trị phù hợp, tại vùng nuôi ngao Thái Bình có 02 điểm cống xả nội đồng có giá trị thấp (2 ‰). Hàm lượng N-NH4+, dao động từ 0,001 – 0,616 mg/l, có 45,45 % mẫu vượt giới hạn cho phép 1,1 – 2,1 lần với ngưỡng giới hạn theo QCVN 08 MT:2015/BTNMT (<0,3 mg/l).


Mật độ Coliform trong nước vùng nuôi dao động từ 0 – 95.000 cfu/100 ml, có 54,55 % số mẫu vượt giới hạn theo QCVN 08MT:2015/BTNMT từ 1,9 – 38 lần. Có 36,36 % số mẫu nước vùng nuôi có mật độ Vibrio tổng số cao hơn 1,4 – 2,0 lần so với quy định. Phát hiện vi khuẩn V. alginolyticus, V. harveyi trên mẫu ngao và hàu nuôi với tần suất bắt gặp 1/3 mẫu. Không phát hiện kí sinh trùng Perkinsus olseni trong các mẫu ngao, hàu.

Chỉ số chất lượng nước (WQI) vùng nuôi nhuyễn thể: So với cùng kỳ năm năm 2022, chỉ số WQI trong tháng 06/2023 ở vùng nuôi nhuyễn thể tại Thanh Hoá và Quảng Ninh có chất lượng nước tốt hơn, vùng nuôi ngao tại Thái Bình xấu hơn. Trên toàn vùng nuôi nhuyễn thể có 05 điểm ở mức xấu, các điểm còn lại đạt mức tốt đến rất tốt.

Vùng nuôi nhuyễn thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Các thông số hoá lý trong nước như pH, độ mặn, độ kiềm, ammonia, nitrite, phosphate, COD, tổng sulfide đều ở mức cho phép. Ngoài ra mật độ vi khuẩn vibrio cao ở HTX Rạng Đông, Tân Thủy và Thành Đạt.

Bên cạnh đó, ghi nhận có sự xuất hiện của một số loài tảo Pseudonitzschia spp., Chaetoceros spp., Leptocylindrus spp., Skeletonema costatum, Skeletonema costatum, nhưng ở mật độ chưa ở mức gây hại cho nghêu. Chưa ghi nhận sự hiện diện của Perkinsus nhưng có sự hiện diện của Rickettsialike Organisms trên nghêu với tỷ lệ 10-30% ở HTX Rạng Đông, Thành Lợi và Thành Đạt.

Khuyến cáo đối với người nuôi

Sau khi có kết quả quan trắc, kết hợp với bản tin dự báo tình hình thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Cục Thuỷ sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản và Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thuỷ sản gửi thông báo kết quả quan trắc đến Chi cục Thuỷ sản/Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản, phòng nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp và cơ sở NTTS bằng hình thức email, EMS, zalo… để triển khai ngay các biện pháp ổn định môi trường vùng nuôi; cập nhập số liệu quan trắc vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường.

Trong tháng 6/2023, trên cơ sở kết quả quan trắc Cục Thuỷ sản phối hợp với các đơn vị ban hành công văn cảnh báo diễn biến môi trường vùng nuôi; cảnh báo tình hình nắng nóng, mưa lũ tại 3 miền. Bên cạnh đó, cùng với kết quả quan trắc môi trường NTTS của địa phương đã chuyển tải đến người nuôi để đưa ra các giải pháp ổn định môi trường đảm bảo phát triển NTTS hiệu quả, bền vững; cập nhập kết quả quan trắc môi trường vào cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường.

Thanh Thủy

Nguồn: Tongcucthuysan.gov.vn