Huyện Hoằng Hóa phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững

Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Hoằng Hóa phát triển khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Việc tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã tạo động lực giúp các hộ gia đình đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế NTTS trên địa bàn.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hoằng Yến.

Huyện Hoằng Hóa đã triển khai tích cực các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển NTTS theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ gia đình NTTS. Huyện đã ban hành Đề án “NTTS nước mặn, nước lợ theo hướng bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện hỗ trợ mỗi mô hình chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS theo quy hoạch để đào đắp bờ bao quy mô 1 ha trở lên là 70 triệu đồng, hỗ trợ tiền mua dừa giống có chiều cao thân, lá 1,2m trồng bờ bao thủy sản trong vùng quy hoạch mức 50.000 đồng/cây. Trong hơn một năm triển khai thực hiện đề án, tổng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp NTTS là 193,88 ha; chuyển đổi sang NTTS là 50 ha; số lượng dừa trồng mới hơn 8.000 cây, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 260,3 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao trong nhà màng 28,9 ha. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng triển khai xây dựng mô hình “nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Hoằng Thanh 0,78 ha, Hoằng Phụ 0,67 ha; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình thử nghiệm nuôi bán thâm canh tôm càng xanh quy mô 1 ha của 1 hộ xã Hoằng Ngọc.

Điều ghi nhận của nghề NTTS ở Hoằng Hóa trong thời gian gần đây, chính là việc người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo đầm nuôi và có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung, nên năng suất qua mỗi vụ thu hoạch đều tăng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi khép kín, sử dụng công nghệ sục khí liên hoàn, máy cho tôm ăn tự động, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Cùng với đó, huyện còn có chủ trương khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn đưa nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng. Hiện nay, tổng diện tích NTTS của huyện Hoằng Hóa đạt 2.910 ha; trong đó nuôi nước lợ 1.832,4 ha, nuôi nước ngọt 1.077,6 ha. Diện tích NTTS trên địa bàn huyện đã được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống cấp, thoát nước cho ao nuôi. Do đó NTTS phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng. Huyện đã tập trung chỉ đạo duy trì các hình thức nuôi đa con, đa canh, đa thời vụ theo hướng an toàn, đa dạng sinh học và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản đối với diện tích nuôi quảng canh cải tiến. Các mô hình nuôi tôm trong ao bạt ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng ở các xã Hoằng Yến, Hoằng Lưu, Hoằng Châu… nâng tổng diện tích nuôi thâm canh trong ao bạt lên 264,4 ha (tăng 99,7 ha so với đầu năm 2021); diện tích nuôi siêu thâm canh trong nhà màng, nhà lưới 55,5 ha (tăng 36,6 ha so đầu năm 2021), góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 đạt 26.460 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 7.939 tấn, sản lượng khai thác 18.520 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 964.510 triệu đồng, tăng 65.787 triệu đồng so với năm 2020. Hai tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác và NTTS huyện Hoằng Hóa đạt 490 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 120 tấn, sản lượng khai thác 370 tấn.

Để nghề NTTS phát triển bền vững, UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, nuôi thả thủy sản theo các hình thức an toàn; tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho tôm, cá; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế NTTS. Đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi thủy sản chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Xây dựng và áp dụng rộng rãi các mô hình NTTS công nghệ cao, phù hợp với điều kiện môi trường. Thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, mở rộng các liên kết trong NTTS nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Bài và ảnh: Minh Hà

Baothanhhoa.vn