Diễn biến phức tạp của dịch, bệnh COVID-19 làm cho khách du lịch giảm mạnh, các cơ sở dịch vụ ăn uống trong tỉnh tạm đóng cửa kinh doanh hoặc mở cửa phục vụ cầm chừng khiến việc tiêu thụ hải sản sụt giảm, dẫn đến việc các hộ dân nuôi thủy sản ở thị xã Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung gắp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Văn Dũng, thôn Dự Quần, phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn cho biết, gia đình ông nuôi hàu từ 3 năm nay trên sông Lạch Bạng. Bình quân mỗi năm ông thả nuôi 2 vụ với khoảng 1,5 vạn hàu giống Thái Bình Dương.
Thời điểm thả hàu thích hợp nhất là khoảng tháng 9 và tháng 12 trong năm. Tùy từng năm nhưng nếu được thì mỗi năm lãi ròng chỉ khoảng 30-40 triệu đồng.
“Năm nay giá hàu giống rẻ, tôi chỉ mất chưa đến 10 triệu đồng tiền giống. Tuy nhiên, thời tiết năm nay khiến hàu phát triển kém, nhiều con bị chết. Cùng với đó, do dịch COVID-19 nên năm nay giá hàu thấp, khó bán”, ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Dương ở thôn Dự Quần cho biết, gia đình ông nuôi 20 lồng cá các loại như mú, vược, bình thường hàng năm sẽ xuất hết hàng và lãi trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay cá đã đến ngày xuất bán nhưng không ai mua. “Cá mú bình thường bán 220 nghìn đồng/kg nhưng nay chỉ 150 nghìn đồng/kg. Cá vược trước đây bán 130 nghìn đồng/kg thì nay cũng chỉ còn 110 nghìn đồng/kg. Giá rẻ nhưng vấn đề là không bán được, không có người hỏi mua. Vì thế có gần 20 lồng cá đã đến ngày xuất bán nhưng không bán được, phải cho ăn, chịu lỗ từng ngày”, ông Dương nói.
Qua tìm hiểu được biết, giá hải sản giảm không chỉ ảnh hưởng đến những người nuôi thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến các tàu cá hoạt động đánh bắt gần và xa bờ, các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản ở Thanh Hóa.
Bà Đỗ Thị Đào, một tiểu thương thu mua hải sản tại Xuân Lâm cho biết, thời điểm cao nhất giá hàu ruột lên đến 120 nghìn đồng/kg nhưng nay chỉ khoảng 80 nghìn đồng/kg và cũng rất khó bán.
Cũng theo bà Đào, hàu giá rẻ nhưng còn có thể bán được, còn người nuôi cá lồng mới rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa