Giá tôm hùm giảm quá nửa, người nuôi mất ăn mất ngủ

Thay vì mua số lượng cả tấn với giá cao để xuất khẩu thì nay thương lái ngừng thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt với giá rẻ để tiêu thụ nội địa khiến người nuôi tôm hùm gặp khó khăn chồng chất.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa như ngồi trên đống lửa khi giá tôm liên tục xuống thấp trong khi giá thức ăn ngày một tăng cao.

Anh Nguyễn Văn Vinh, trú tại Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, Trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm xanh được thu mua ở mức 1,1-1,2 triệu đồng/kg nhưng hiện tại giá tôm hùm đã giảm gần một nửa, chỉ còn 700 nghìn đồng/kg nhưng cả tháng nay, các tàu thu mua tôm hùm của thương lái không đến thu mua. “Mỗi ngày, 30 lồng tôm nhà tôi ăn hết 7 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền thuê người lặn xuống cho tôm ăn. Trong khi đó, giá tôm thì thấp, cửa khẩu không biết khi nào mới hết tắc, xót ruột lắm”, anh Vinh nói.

Cũng nuôi hơn 4.000 con tôm hùm bông tại Vạn Ninh (Khánh Hòa), ông Phạm Văn Toàn cho biết, thời điểm này trước Tết, thương lái tranh nhau mua với giá hơn 2 triệu đồng/kg nhưng hiện tại rớt giá chỉ còn từ 1,2-1,4 triệu đồng/kg. Tôm hùm xanh cũng chỉ còn 720 nghìn đồng/kg. “Để cầm cự, mỗi ngày tôi phải chi hơn 5 triệu đồng để mua thức ăn cho tôm. Mất ăn mất ngủ vì cả tỷ đồng tiền tôm vẫn nằm dưới biển, chưa bán được”, ông Toàn thở dài.

Giá thức ăn cho tôm cùng với chi phí xăng dầu liên tục tăng cao nhưng giá tôm hùm ngày một xuống thấp đã khiến anh Trương Quang, trú tại tổ dân phố Lợi Thủy, phường Cam Lợi (Cam Ranh, Khánh Hòa) như ngồi trên đống lửa. “Bỏ công sức, tiền của suốt 9 tháng trời để nuôi 50 lồng tôm, giờ được thu hoạch thì giá xuống thấp. Với giá 680 nghìn đồng/kg như hiện tại thì chỉ đủ tiền giống và thức ăn, còn người nuôi cả năm không những không có công mà còn lỗ cả tiền thuê người lặn”, anh Quang nói.


Để tôm hùm có đầu ra ổn định thì cần phải xuất khẩu theo đường chính ngạch. Ảnh: Hồng Cảnh

Theo anh Quang, riêng tiền giống mỗi lồng hết khoảng 27-28 triệu đồng, tiền thức ăn để nuôi tôm trong suốt 9 tháng hết khoảng 35 triệu đồng/lồng, chưa kể tiền thuê người nuôi, thuê người lặn cho tôm ăn. Trong khi đó, nếu như trước đây, thương lái thu mua tôm hùm với số lượng lớn, giá cao để xuất khẩu thì hiện tại giá xuống thấp nhưng họ chỉ mua được số lượng rất ít để tiêu thụ nội địa. “Mỗi lồng riêng tiền thức ăn hết khoảng 200-230 nghìn đồng/ngày, 50 lồng hết cả chục triệu đồng tiền thức ăn nhưng giá tôm lại rẻ nên người dân càng nuôi càng lỗ. Chỉ mong cửa khẩu sớm thông quan trở lại để thương lái thu mua lại tôm hùm với giá cao, người nông dân đỡ khổ”, anh Quang chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 63.420 ô lồng nuôi tôm hùm với sản lượng đạt khoảng trên 1.000 tấn. Trong đó, 4 vùng biển trọng điểm nuôi tôm hùm là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh.

Trong khi đó, chỉ khoảng 20% sản lượng tôm hùm được tiêu thụ ở nội địa, số còn lại chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và lệ thuộc vào thương lái thu mua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến phía Trung Quốc lên tục đóng cửa các cửa khẩu hoặc đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển cũng như hàng hóa nhập khẩu vào nước này khiến cho ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ tôm hùm.

Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, thị trường, việc tiêu thụ tôm hùm thương phẩm trong thời gian tới vẫn gặp không ít khó khăn, giá cả lên xuống thất thường. Vì vậy, người dân phải hết sức lưu ý, theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng kí, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đây là những cơ sở quan trọng để đưa tôm hùm xuất khẩu theo đường chính ngạch, đảm bảo đầu ra ổn định cho tôm hùm.

Hồng Cảnh

Dân Việt