Chất kháng khuẩn trong củ hành ức chế sự phát triển bệnh phát sáng trên tôm sú

Nghiên cứu cách sử dụng chiết xuất củ hành tây trong giai đoạn ấu trùng tôm để làm rõ vai trò và tác động của chúng lên tỷ lệ sống của tôm bị nhiễm vi khuẩn Vibrio harveyi như một chất thay thế kháng sinh.

Theo các nhà nghiên cứu tại Indonesia, chiết xuất củ hành tây có thể giúp tôm tăng cường hệ miễn dịch đề kháng lại bệnh do Vibrio harveyi gây ra trên ấu trùng tôm sú trong điều kiện in-vivo (một thử nghiệm hoặc thủ tục được thực hiện trên (hoặc trong) một sinh vật sống) và in-vitro (một thử nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm, giới hạn bởi ống nghiệm hoặc trong phòng thí nghiệm).

Ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phát triển rất nhanh chóng. Cùng với việc mở rộng qui mô sản xuất, mức độ thâm canh hoá ngày càng cao đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều mầm bệnh nguy hiểm, đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nuôi tôm và gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế.

Bệnh tôm có thể do vi khuẩn, nấm, vi rút và ký sinh trùng gây ra. Các bệnh do vi khuẩn, ngoài việc gây chết hàng loạt, còn giảm chất lượng tôm thịt. Bệnh do vi khuẩn Vibrio harveyi là một điển hình trong ngành nuôi tôm, thường xảy ra ở giai đoạn nauplius, zoea, mysis và cả giai đoạn 1-1.5 tháng tuổi. V. harveyi là mầm bệnh cơ hội, thường tồn tại ở môi trường nước và tấn công vào cơ thể vật chủ khi môi trường nước xấu đi, tôm bị stress và hệ miễn dịch suy giảm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thảo dược dùng trong thủy sản có tác dụng diệt vi khuẩn gây bệnh, tăng cường sức đề kháng và chống oxy hóa. Dùng thảo dược có nguồn gốc dược liệu tự nhiên, nhằm giảm lạm dụng hóa chất và kháng sinh trong thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường xung quanh.

Củ hành tây là một loại cây được biết đến là loại cây có chứa các chất kháng khuẩn như alkaloids, steroid, phenol và flavonoid.

Quy trình chiết xuất: hành tây được cắt thành từng miếng và phơi khô từ 5-7 ngày, sau đó trộn mịn và rây. Sau đó cân 200g và ngâm vào 200ml dung dịch etanol 70% và khuấy bằng máy khuấy mỗi 1 giờ trong 3 ngày ở 45oC. Sau đó được lọc bằng giấy lọc và cho vào máy sấy bay hơi trong 1-2 giờ ở 60oC và thu được hỗn hợp chiết xuất.

Nghiên cứu Azis et al., 2020 nhằm đánh giá tác dụng ức chế của chiết xuất củ hành tây đối với vi khuẩn V. harveyi trên ấu trùng tôm sú. Thử nghiệm in-vitro gồm 7 nghiệm thức và 3 lần lặp lại, cụ thể là nghiệm thức A (0,1%), B (0,2%), C (0,3%), D (0,4%), E (0,5%), F ethanol 70%. (K-), và điều trị G chloramphenicol 0,01% (K +).

Kết quả cho thấy nghiệm thức C (0,3%) có đường kính vùng ức chế lớn nhất với giá trị trung bình của vùng ức chế được tạo ra là 7,5 mm, thấp nhất là nghiệm thức A (0,1%) với vùng ức chế 3,5 mm. Sau đó tôm được cảm nhiễm với vi khuẩn V. harveyi với nồng độ 107 CFU/ml trong thử nghiệm in-vivo bao gồm 5 nghiệm thức bổ sung chiết xuất củ hành tây với các nồng độ như: A: (không chiết xuất), B: 16 ppm, C: 22 ppm, D: 28 ppm E: kiểm soát (không có sự quản lý của chiết xuất hành tây và V. harveyi)

Kết quả cảm nhiễm với vi khuẩn V. harveyi cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức 6 ppm, 12 ppm, 18 ppm và đối chứng. Nghiệm thức có tỷ lệ sống cao nhất ở nghiệm thức bổ sung chiết xuất 12 ppm (43,34%). Chiết xuất hành tây có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn V. harveyi thông qua các thử nghiệm in-vitro và in vivo trên tôm sú (Penaeus monodon).

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng chiết xuất củ hành tây có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn V. harveyi nhiễm trên tôm sú. Bởi vì hành tây chứa các hợp chất có hoạt tính cụ thể là ankaloit, flavonoid có cơ chế ức chế bằng cách phá vỡ các thành phần cấu tạo của peptidoglycan và tế bào chất trên tế bào vi khuẩn.

Theo kết quả thu được đã cung cấp thêm thông tin về ứng dụng thảo dược thay thế kháng sinh trong phòng trị bệnh tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung.

Nguồn: Azis Azis, Jimmy Cahyadi et al (2020). BENEFITS OF TIWAI ONION (ELEUTHERINE AMERICANA) EXTRACT AS PHYTOPHARMACEUTICAL PLANT TO INHIBIT THE GROWTH OF VIBRIO HARVEYI THROUGH IN-VITRO AND IN-VIVO, Scientific journal of fisheries and marine, Azis, 04/2020.

Tác giả: Như Huỳnh

Nguồn tin: Tepbac.com