Các vấn đề nuôi tôm trong mùa mưa

Mùa mưa luôn là nỗi lo lắng của người nuôi tôm bởi nhiều vấn đề xảy ra đối với ao nuôi từ giai đoạn chuẩn bị ao đến thả giống và chăm sóc. Tạp chí Người Nuôi Tôm xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Các vấn đề nuôi tôm trong mùa mưa

 

Các vấn đề trong chuẩn bị ao nuôi: Ở các vùng đất phèn, mưa lớn sẽ gây rửa trôi phèn từ đáy ao và bờ/rãnh mương nếu ao đã phơi khô quá lâu trong mùa khô. Do đó các ao nên được rải vôi hoặc giội rửa mạnh ít nhất một lần cho đến khi pH nước cao hơn 7. Nên tiếp tục sử dụng phân bón hoặc vôi.

Vấn đề về độ mặn: Do các độ mặn khác nhau giữa các vùng nuôi tôm, nông dân nên thông báo độ mặn ao thực tế cho trại giống hoặc trại ương có thể điều chỉnh trước độ mặn cho tôm giống/postlarvae gần với yêu cầu của mình. Để an toàn và đạt tỉ lệ sống cao, postlarvae cũng nên được ương trong vèo nhỏ có độ mặn 4-5 ppt, nếu độ mặn ao cực kỳ thấp.

Các vấn đề với động vật ăn thịt: Nếu ao và nước đã được chuẩn bị trước quá sớm khi thả giống, có thể quan sát thấy động vật ăn thịt như tôm rảo/tôm đất Metapenaeus, tôm nước ngọt hoặc cá có vây phát triển nhanh hơn vào mùa mưa. Nếu những loài này hiện diện trong ao thì nên được loại bỏ hoặc nên chuẩn bị lại ao bởi vì các loài động vật như vậy có thể khiến tỉ lệ sống của tôm kém hoặc mang bệnh vào ao kể cả virus.

Các vấn đề khi mưa trong giai đoạn thả giống: Trời thường mưa vào buổi trưa chiều hoặc buổi tối trong giai đoạn mùa mưa và mưa có thể giội rửa phèn từ rãnh mương vào trong ao. Nước có tính axit này sẽ gây tỷ lệ chết cao cho tôm giống/postlarvae mới được thả vì chúng vốn thường yếu sau quá trình vận chuyển và thích nghi. Do đó thả giống postlarvae vào buổi sáng có thể tránh được vấn đề do mưa. Bón vôi CaCO3 thường xuyên trên bờ/mương ao sẽ giảm thiểu vấn đề này.

Các vấn đề tôm nổi đầu sau mưa: Sau khi mưa lớn, quan sát thấy tôm trên bề mặt ao, đặc biệt là ở các vùng nuôi đất phèn hoặc trong ao cũ hoặc sâu có tuần hoàn nước kém. Giội rửa phèn từ bờ/mương vào trong ao có thể làm cho pH nước thấp, sau đó dẫn đến tăng độc tính của khí hydrogen sulfide tích tụ ở đáy ao. Điều này khiến cho tôm yếu và nổi lên bề mặt. Để giải quyết vấn đề này, nước đáy ao nên được tháo ra và hòa vôi rải đều khắp ao để tăng pH nước trên 7,5. Sau đó giảm lượng thức ăn cho đến khi quan sát thấy tôm bình thường trong các sàng ăn.

Các vấn đề nước bị trong sau khi mưa: Vấn đề này thường tồn tại ở các khu vực đất phèn hoặc đất cát, chủ yếu do độ kiềm thay đổi nhanh chóng và mức cacbon dioxide trong nước ao sau khi mưa lớn, khiến đột ngột làm giảm quần thể thực vật phù du. Để giải quyết vấn đề này, nước ao nên được gây màu lại hoặc bổ sung nước xanh có chứa mật độ tảo dày từ ao gần kề, kênh mương tháo nước. Tiếp đó nên sử dụng vôi CaCO3 hàng ngày hoặc hai ngày/lần ở mức 125-187 kg/ha cùng với bón phân. Nói chung, sử dụng vôi CaCO3 hoặc dolomite ở mức 125-187 kg ha mỗi hai ngày trong suốt 50 ngày đầu tiên sau khi thả giống có thể cải thiện màu nước. Nếu nước vẫn còn trong và có lab-lab (thảm tảo) đang phát triển, có thể sử dụng màu nhân tạo để giảm cường độ ánh sáng.

Các vấn đề tôm nổi đầu sau khi thay nước: Chuyện này có thể xảy ra ở các trang trại gần kênh hoặc cửa sông nơi cơn mưa đầu mùa có thể giội rửa phèn hình thành trong mùa khô từ thượng nguồn. Vì vậy rất nguy hiểm khi thay nước nhiều trong giai đoạn mưa đầu mùa. Giải pháp tốt nhất là dừng thay nước trong 1-2 ngày đầu tiên của thủy triều cao. Nước từ bên ngoài sau đó có thể được thêm vào ao để tôm thích nghi trước khi tháo nước vào ngày hôm sau. Để kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm vào ao nuôi tăng trưởng, cách phù hợp là thả 5-10 con tôm từ ao nuôi tăng trưởng vào các lồng lưới tại kênh dẫn nước đầu vào để làm chỉ thị sống.

Nhiều chất rắn lơ lửng sau khi mưa: Ở khu vực đất cát hoặc cát, sẽ luôn có nhiều hạt keo lơ lửng trong ao sau khi mưa lớn. Để loại bỏ các hạt rắn lơ lửng này, nên tháo nước nhiều và tiếp theo sử dụng vôi với tỷ lệ 62-125 kg/ha/ngày không sục khí (loại phun khí airjet) vào ban ngày. Nếu các hạt này vẫn còn trong vòng 2-3 ngày, nên dùng chất tạo kết tủa trước khi thay nước. Trong quá trình xử lý này, nên giảm cho ăn khoảng 20-50% vì chất tạo kết tủa có thể ảnh hưởng việc cho tôm ăn.

Vấn đề mềm vỏ và các chân ngực bất thường: Ở các khu vực đất phèn và độ kiềm thấp (dưới 50 ppm), đặc biệt là sử dụng nước từ các kênh rạch, tôm có thể mềm vỏ, không thể lột vỏ và có các chân ngực bất thường. Tôm không thể ăn được do mất cân bằng về khoáng. Khuyến nghị sử dụng vôi CaCO3 hoặc dolomite ở mức 125-187 kg/ha mỗi 1-2 ngày trong suốt 50 ngày đầu thả giống.

Trên đây chỉ là một phần các vấn đề chung và các giải pháp cho từng vấn đề sẽ khác nhau ở mỗi địa điểm. Vì vậy, nông dân nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, chất lượng nước và kịp thời xử lý các vấn đề. Vị trí lắp đặt và quản lý các thiết bị sục khí đúng cách để các chỗ cho ăn ở đáy ao sạch cũng có thể làm giảm tỷ lệ tôm chết.

Nguyên tắc then chốt để giải quyết những vấn đề trên là việc quản lý nước một cách hiệu quả bằng việc có ao lắng (25% diện tích trang trại, với độ sâu 3 m.) kết nối vào ao nuôi. Nếu cần thiết, hóa chất hoặc chất khử trùng có thể được sử dụng ở ao lắng trước khi đưa vào ao nuôi. Mật độ thả giống thích hợp (ít hơn 50 PL/m2) có thể làm giảm tải trọng hữu cơ trong ao, và tăng cường áp dụng các cách xử lý nước và bùn đáy.

Việc phòng ngừa và xử lý trên là quá trình quản lý đơn giản, cũng là các hướng dẫn cơ bản và chính yếu trong nuôi tôm. Nếu nông dân có thể giữ đáy ao sạch, màu nước ổn định và thay nước cẩn trọng thì sẽ giảm thiểu được các vấn đề này. Cuối cùng, tác giả hy vọng bài viết này sẽ hỗ trợ nông dân hiểu khái quát vấn đề trong phòng ngừa và xử lý ở một số bước nhất định và cũng cầu mong nông dân nuôi thành công trong mùa mưa tới.

Theo BioAqua.vn