Bình Định: Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng tại Bình Định vẫn thường xuyên diễn ra, gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho người nuôi. Vì thế việc áp dụng công nghệ mới cho nuôi tôm thẻ chân trắng là hết sức cấp bách và cần thiết.

Thực hiện chương trình Khuyến nông năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã thực hiện xây dựng mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc” nhằm hỗ trợ người nuôi tôm giảm bớt các rủi ro về dịch bệnh, cải thiện môi trường sinh thái vùng nuôi và nâng cao thu nhập.

Mô hình được thực hiện tại hộ ông Lê Xuân Tâm (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) trên diện tích ao nuôi 1.500 m2. Được Nhà nước hỗ trợ 50% con giống, vật tư và thức ăn, ông Tâm đã tiến hành thả 300.000 con giống tôm thẻ chân trắng (PL12). Ban đầu, tôm giống được ương trong ao ương diện tích 300 m2, sau 25 ngày thì đưa ra ao nuôi lót bạt có hệ thống cánh quạt, oxy đáy, máy cho ăn tự động và tuần hoàn nước. Trong quá trình thực hiện mô hình, ông Tâm luôn tìm tòi, học hỏi và tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên tôm không bị bệnh, kích cỡ đồng đều và đạt tỷ lệ sống cao (95%). Nhờ đó, sau 3 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 79 con/kg, năng suất ước đạt 24 tấn/ha, ông Tâm ước lãi khoảng 178 triệu đồng.

Theo Thạc sĩ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tương đối dễ dàng, không cần ao nuôi diện tích lớn nhưng yêu cầu phải có ao ương và ao nuôi lót bạt, có hệ thống quạt nước và oxy đáy (hệ thống oxy đáy phải hoạt động 24/24). Kỹ thuật chính trong công nghệ này là thường xuyên ủ mật rỉ đường kết hợp với men vi sinh 3 ngày/lần, sục khí liên tục trong vòng 24 giờ trước khi đưa vào ao nuôi để duy trì chất lượng nước và góp phần tạo nguồn thức ăn cho tôm.


Các hộ dân tham quan mô hình. Ảnh Thành Nguyên.

Nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc an toàn sinh học, giúp tôm tăng trưởng nhanh, năng suất và sản lượng cao; đồng thời giảm chi phí sản xuất so với các hệ thống nuôi thông thường. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ này chúng ta sẽ ngăn ngừa hiệu quả bệnh đốm trắng trên tôm, ổn định môi trường nước và không cần thay nước thường xuyên, giảm FCR (hệ số thức ăn), giảm chi phí thức ăn cho nuôi tôm.

Ông cũng cho biết thêm, sắp tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo nhân rộng, đồng thời định hướng nuôi tôm công nghệ cao tại các địa phương trong tỉnh để tăng nguồn thu nhập cho các hộ nuôi tôm, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động phổ thông tại các vùng nông thôn ven biển, bãi ngang; góp phần đảm bảo an ninh và ổn định xã hội.

Tại Hội thảo tổng kết đánh giá kết quả mô hình sau 3 tháng nuôi, hầu hết các đại biểu và hộ dân đều đánh giá đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người nuôi, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Các hộ dân tham gia hội thảo cho biết sẽ áp dụng công nghệ Semi-Biofloc vào các vụ nuôi sau để nâng cao năng suất và tăng thu nhập.

Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi do kinh phí đầu tư ban đầu vào mô hình nuô tương đối lớn. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh hướng dẫn, vận động người nuôi tôm liên kết trong sản xuất, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn cung đầu vào có chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tác giả: Thành Nguyên

Nguồn tin: Tepbac.com