Biện pháp giảm FCR trong nuôi trồng thủy sản

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – FCR cao hay thấp phụ thuộc vào các yếu tố như: Mật độ thả, tỷ lệ sống, chất lượng con giống, môi trường nước nuôi, công nghệ nuôi, phương pháp cho ăn, chất lượng thức ăn,… Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số khuyến cáo giúp người nuôi có thể giảm FCR trong nuôi trồng thủy sản.

Giảm FCR đồng nghĩa với việc giảm chi phí nuôi, giảm ô nhiễm môi trường…

Việc giảm hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) luôn là mục tiêu của ngành thủy sản và là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người nuôi. Giảm FCR đồng nghĩa với việc giảm chi phí nuôi, giảm ô nhiễm môi trường… và mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nuôi cả trước mắt và lâu dài.

Quản lý môi trường nuôi: Yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường nước là giữ cho hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước đáp ứng nhu cầu của cá, tôm. Đối với nuôi tôm, DO cần cao hơn 4mg/l. Để giảm FCR, người nuôi cần quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm tra DO thường xuyên,…

+ Tăng cường khử trùng dọn bùn đáy ao, tính toán mật độ thả nuôi hợp lý, áp dụng kỹ thuật cho ăn khoa học, khống chế sự sinh sôi và phát triển của tảo, nâng cao hiệu quả tăng oxy tự nhiên và bổ sung kịp thời oxy nhân tạo khi cần thiết.

+ Kiểm soát pH, nhiệt độ, nồng độ khí độc NH3, NO2, NO3… thường xuyên.

+ Sử dụng các biện pháp sinh học an toàn như dùng các chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường.

Lựa chọn con giống có chất lượng tốt: Là con giống sạch bệnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Con giống khỏe mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ làm cho hiệu quả sử dụng thức ăn tốt và do đó làm giảm được FCR.

Lựa chọn thức ăn chất lượng tốt và sử dụng thức ăn đúng cách: FCR bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng thức ăn và cách cho ăn.

+ Nên chọn các loại thức ăn có tính dẫn dụ cao, có độ tiêu hóa, chuyển hóa cao, khả năng tăng cường sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm.

+ Một trong những nguyên nhân làm FCR tăng cao là việc đổ dư thừa thức ăn xuống ao, đặc biệt là trong trường hợp thức ăn chìm, khó quan sát như thức ăn tôm. Không nên cho ăn no thỏa mãn nhu cầu của cá, chỉ nên cho ăn no tới 80 – 85% nhu cầu để đảm bảo chất dinh dưỡng trong thức ăn được cá, tôm hấp thụ triệt để hơn, thải ra ngoài môi trường ít hơn.

+ Bổ sung chế phẩm sinh học (enzymes, probiotics, hỗn hợp vitamin, khoáng, chất chiết thảo dược, tỏi…) có thể cải thiện được độ tiêu hóa, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của động vật thủy sản.

FCR không chỉ phụ thuộc vào chất lượng thức ăn, chế độ cho ăn mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý trang trại. Do PCR bị tác động bởi nhiều yếu tố trong quá trình nuôi, người nuôi cần ghi chép lại các yếu tố này vào nhật ký theo dõi để có cơ sở tự xem xét, hoặc nhờ các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phân tích tìm ra nguyên nhân gây FCR cao.

Hảo Mai

Theo Nhóm NCM DDTA&NTTS, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam