Bến Tre: Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa và luân canh tôm sú sinh thái hiệu quả cao

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phát động, nhiều hộ nông dân ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) tích cực tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa và luân canh tôm sú sinh thái. Trong đó có hộ anh Nguyễn Văn Hiền, ấp An Điền, xã An Điền tham gia mô hình từ nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ với diện tích 1ha.

Ao nuôi thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa và luân canh tôm sú sinh thái. Ảnh: CTV

Anh Nguyễn Văn Hiền cho biết: “được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như Trung tâm khuyến nông tỉnh, từ nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa năm 2019 và luân canh tôm sú sinh thái năm 2020. Bước đầu khi hộ gia đình tôi được chọn tham gia mô hình, tôi rất phấn khởi nhưng cũng rất lo lắng vì đối tượng tôm càng xanh toàn đực là đối tượng mới. Những năm trước đó, gia đình tôi cũng có nuôi tôm càng xanh nhưng là giống tôm càng xanh thường, do một số trại giống tại địa phương sản xuất, hiệu quả không cao. Sau khi nghe các anh cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình triển khai, phân tích và đánh giá về chất lượng cũng như hiệu quả mang lại, tôi yên tâm tham gia thực hiện”.

Trong suốt thời gian tham gia thực hiện mô hình, anh Hiền tuyệt đối tuân thủ theo quy trình hướng dẫn đã được tập huấn và theo hướng dẫn thường xuyên của cán bộ kỹ thuật, có mở sổ nhật ký theo dõi xuyên suốt quá trình canh tác và kết quả mang lại ngoài sự mong đợi. Về đối tượng tôm càng xanh toàn đực, mô hình hỗ trợ 20.000 con tôm giống và 81kg thức ăn cho tôm. Sau khi nhận giống, anh thả nuôi trong ao ương, tận dụng ao nuôi tôm thâm canh không hiệu quả để làm ao ương. Trong suốt quá trình ương khoảng 3 tháng, anh Hiền cho tôm ăn đều đặn 2 lần/ngày. Sau thời gian 3 tháng tiến hành bẻ càng và đưa ra ruộng nuôi. Đây là một trong những kỹ thuật mới đối với đối tượng tôm càng xanh, vừa kích thích tôm lớn nhanh vừa kiểm soát được số lượng thực tế trong suốt quá trình nuôi. Trong thời gian nuôi đến khi thu hoạch bẻ càng 3 lần. Tỷ lệ sống của tôm càng xanh trên 65%. Sau hơn 6 tháng nuôi, tiến hành thu hoạch, trọng lượng trung bình là 20 con/kg. Với giá bán bình quân 180 ngàn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi trên 70 triệu đồng. So với trước đây không tham gia mô hình, anh thu được lãi gần 40 triệu đồng.

Về cây lúa, mô hình hỗ trợ giống lúa để thực hiện là OM4900, đây là giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Gia đình anh Hiền canh tác bằng hình thức sạ và thực hiện theo quy trình sản xuất lúa sạch. Sau thời gian canh tác, năng suất đạt 5,2 tấn/ha. Sau khi để lại đủ số lượng lúa sử dụng cho gia đình, số còn lại anh bán thu về số tiền khoảng 22 triệu đồng. Trước đây khi không tham gia mô hình, anh thu được bình quân là 17 triệu đồng.

Sau khi thu hoạch lúa, anh bắt đầu cải tạo ao để xuống giống tôm sú. Mô hình hỗ trợ 80.000 con giống và 86kg thức ăn cho tôm sú. Sau 4 tháng thả nuôi, thu hoạch với tổng sản lượng là 250kg. Với giá bán 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 17 triệu đồng. Năm nay do ảnh hưởng của hạn mặn, nên hiệu quả nuôi tôm sú không cao. Tóm lại, qua 1 năm thực hiện mô hình với diện tích 1ha, gia đình anh Hiền thu được lãi khoảng 109 triệu đồng.

Anh Hiền cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa và luân canh tôm sú đã mang lại hiệu quả và giúp tăng thu nhập cho gia đình anh, tạo ra sản phẩm tôm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặt khác, mô hình cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, giúp giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”, “Tôm càng xanh Bến Tre” vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

“Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa dễ làm, bền vững, ít bệnh, phù hợp với điều kiện sản xuất hộ gia đình. Không sử dụng hóa chất, cho ra sản phẩm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Đề nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ bà con mô hình để bà con phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, vốn để bà con an tâm sản xuất. Tổ chức các hoạt động tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để nhiều người làm theo”, anh Hiền cho biết thêm.

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi