Bạc Liêu: Phát triển mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Qua hơn 3 năm áp dụng, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả sản xuất và dự báo sẽ được mở rộng phát triển trong thời gian tới.


Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả sản xuất tốt.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT, tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 20 công ty và gần 700 hộ đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích hơn 3.900ha. Tỉ lệ hộ nuôi tôm theo mô hình thành công chiếm khoảng 65%. Năng suất hồ tròn đạt trung bình 2 – 2,5 tấn/hồ 500m3 nước, năng suất đạt cao 2,7 – 3,2 tấn/hồ. Ao lót bạt trung bình 4 – 5 tấn/1.000m2, năng suất đạt cao 7 – 9 tấn/ao.

Cá biệt có một số công ty, doanh nghiệp đạt năng suất bình quân từ 10 – 20 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ tôm lớn, chất lượng đảm bảo, lợi nhuận mang lại hàng tỉ đồng/ha.

Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu, do ít chịu tác động của thời tiết, dịch bệnh nên thời gian qua, mô hình nuôi tôm công nghệ cao (nuôi tôm siêu thâm canh) tại tỉnh Bạc Liêu được nhiều công ty, nông dân áp dụng và cho hiệu quả kinh tế cao. Qua hơn 3 năm áp dụng, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả sản xuất và dự báo sẽ được mở rộng phát triển trong thời gian tới.

Năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế đối với mô hình là điều mơ ước và cuốn hút người nuôi. Vì thế mà mô hình nuôi tôm “nhà giàu” này ngày càng có nhiều người áp dụng. Hiện nay, người nuôi tôm công nghệ cao áp dụng hình thức nuôi theo 2 giai đoạn để vừa quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, theo dõi khả năng phát triển của tôm vừa tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.

Văn Sĩ

Báo Lao Động