Ba kiến nghị VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT

Nhiều nội dung trong dự thảo Quy chuẩn Việt Nam mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường được VASEP chỉ ra điểm bất cập.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đến Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT), kiến nghị một số nội dung trong dự thảo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) mà Bộ này đang chuẩn bị ban hành, dự kiến sẽ thay thế cho các bộ quy chuẩn trước đó như QCVN 11:2015; QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp.

Theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ký ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đến 2030, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam phải đạt con số từ 14 đến 16 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 – 4,0%/năm, giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động. Và đến năm 2045, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu trở thành “trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển,…, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Với vị trí và mục tiêu như trên, việc hài hoà giữa bảo vệ môi trường và đảm bảo năng lực cạnh tranh là nội dung hết sức quan trọng, cần Chính phủ, các Bộ và đặc biệt Bộ TN-MT xem xét.

Thủy sản Việt Nam và nhiều đặc thù cần cân nhắc

Trao đổi với Người Đưa Tin, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe bày tỏ: “Đây không phải là công văn kiến nghị đầu tiên của Hiệp hội gửi đến Chính phủ và Bộ TNMT. Ngay từ năm 2017, chúng tôi đã có nhiều văn bản đề cập đến các bất cập ở trong nước thải chế biến thuỷ sản sau xử lý tại QCVN 11:2015 và việc áp dụng quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cho nước thải ao nuôi cá tra-tôm thâm canh”.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe.

Theo ông Hòe, Dự thảo mới quy định phân chia chỉ số nước thải khu vực sản xuất thành ba vùng (A;B và C) thay vì hai vùng như trước đây, kèm theo đó là các quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành và những khó khăn khi áp dụng QCVN về nước thải công nghiệp cho các ao nuôi thủy sản thâm canh.

“Theo quy định của EU và Bộ Y tế, nguồn nước sử dụng trong nhà máy chế biến thuỷ sản bắt buộc phải là nước sạch đủ tiêu chuẩn uống được, như vậy nguồn nước đầu vào là sạch. Mặt khác, sản phẩm thủy hải sản có hàm lượng Nitơ, phospho tự nhiên trong cơ thịt khá cao, việc bảo quản sản phẩm thủy sản được phép sử dụng phụ gia có thành phần chính là phosphat. Chính những đặc thù này khiến nguồn nước thải đầu vào khu xử lý nước thải của các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy tôm và cá tra, surimi, có hàm lượng Phospho phổ biến cao hơn bình thường.

Ảnh hưởng của Phospho đến môi trường là làm tảo mọc nhiều dẫn đến giảm, cạn kiệt Oxy trong nước, gây chết cá, các phiêu sinh động vật…từ đó làm mất cân bằng cho chu trình sinh thái diễn ra trong tự nhiên. Tuy nhiên, các tác hại vừa nêu chỉ mới được ghi nhận tại các nguồn nước không lưu thông (ao-hồ), các nguồn nước dòng chảy như sông, suối chưa từng quan sát thấy. Mặt khác, bản thân Phospho cũng là một nguyên tố hóa học cần thiết, không thể thiếu cho sự sống, duy trì chu trình sinh thái tự nhiên. Việc xác định nồng độ Phospho là bao nhiêu để có thể gây hại cho môi trường cũng chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học chính xác nào.


Phospho khiến tảo mọc nhiều dẫn đến giảm, cạn kiệt Oxy trong nước, gây chết cá, các phiêu sinh động vật…

“Việc áp dụng quy chuẩn mới có thể gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước bởi sẽ phải đầu tư, duy trì và vận hành các hệ thống xử lý nước thải tân tiến. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp cấu thành trong giá bán sản phẩm, từ đó làm suy giảm tính cạnh tranh”.

So sánh với các nước có điều kiện kinh tế- xã hội tương đồng với Việt Nam như Thái Lan; Malaysia. Indonexia, những nước này không có quy định về tổng lượng Phospho. Ngưỡng nồng độ Nito và Amoni trong nước thải chế biến cũng cao hơn mức hiện hành tại Việt Nam, điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp thủy sản của họ.

Đối với các trại nuôi thủy sản thâm canh, việc áp dụng QCVN 40:2011/BTNMT là rất khó đạt được khi các cơ sở này thường áp dụng phương án xử lý lắng lọc sinh học trong ao lắng thải, do đó không phù hợp và khả thi cho phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình dành cho thiết bị công nghiệp như ở các nhà máy chế biến thủy sản hoặc các ngành sản xuất công nghiệp.

Những kiến nghị xuất phát từ thực tế

Việt Nam hiện có hơn 700 nhà máy chế biến thủy sản ở quy mô công nghiệp. Số lượng nhà máy lớn chỉ chiếm khoảng 7-8%, còn lại đa phần là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ với thâm niên hoạt động khá lâu, từ 10-20 năm. Do đặc thù sản xuất, không thể tách rời lực lượng ngư dân khai thác biển và nông dân nuôi trồng thủy sản, các nhà máy chế biến thủy sản thường nằm ở các khu vực, địa bàn kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.


Việt Nam hiện có hơn 700 nhà máy chế biến thủy sản ở quy mô công nghiệp.

Để hỗ trợ ngành thủy sản, một ngành hàng trọng điểm của nền kinh tế, có các cơ hội thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 như Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giúp các doanh nghiệp thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường, VASEP đưa ra một số kiến nghị, gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tạm dừng chưa phát hành QCVN về nước thải công nghiệp để có các đánh giá tác động cụ thể của QCVN mới đối về kinh tế và xã hội.

Không áp dụng QCVN nước thải công nghiêp cho trại-ao nuôi thuỷ sản; thay bằng việc cho phép điều chỉnh đối tượng này vào QCVN 62:2021/BTNMT (nước thải chăn nuôi) và thuộc Cột B của cơ sở phải đăng ký môi trường.

Với nước thải từ nhà máy chế biến thuỷ sản:

– Không gộp nước thải chế biến thủy sản vào dự thảo QCVN công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau; hoặc có điều khoản riêng cho chế biến thủy sản tại dự thảo QCVN nước thải công nghiệp mới do yếu tố đặc thù của ngành như đã thực hiện riêng trong suốt hơn 20 năm qua.

– Nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu phospho lên mức 40ppm (cột B) và 30ppm (cột A) để phù hợp với điều kiện thực tế của DN chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế các nước trong khu vực; sau khi hết lộ trình áp dụng 10 năm (đến 2031) như kiến nghị mục (3) dưới đây thì đưa ngưỡng phospho về mức 20ppm.

– Áp dụng lộ trình thực hiện 10 năm cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế (như trường hợp của Mỹ và một số nước là 10 năm) để có thời gian cho phép DN chuyển đổi công nghệ, đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.

– Giữ nguyên ngưỡng kiểm soát của Amoni và Ni-tơ như trong QCVN 11-MT:2015.

Ngành thủy sản Việt Nam được xác định là một trong năm ngành kinh tế biển then chốt. Liên tiếp trong ba năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 8,5-9 tỷ USD/năm, đứng trong 8 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của đất nước. Lực lượng lao động nội ngành ước đạt hơn 4 triệu người, gắn chặt với sinh kế của ngư dân và nông dân tại nhiều tỉnh thành, góp phần đảm bảo công tác khẳng định chủ quyền, gìn giữ quốc phòng và an ninh trên biển

Lê Tuấn

Nguoiduatin.vn