Thảo dược: “Vũ khí sinh học” phòng bệnh AHPND trên tôm

[Người Nuôi Tôm] – Chiết xuất thảo dược từ cây bụp giấm, trinh nữ và bạch đàn có thể cải thiện các thông số miễn dịch và khả năng kháng bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính trên tôm.

Thảo dược là một giải pháp phù hợp và hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch cho tôm

 

Tại Việt Nam, nhiều loại thảo dược đã được sử dụng để điều trị các bệnh phổ biến trên tôm. Gần đây, chiết xuất từ lá và hạt sim đã được xác định có khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh AHPND. Chiết xuất metanol từ cây cỏ mực (Eclipta alba) cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn đối với 12 chủng Vibrio spp. Thêm vào đó, chiết xuất từ diệp hạ châu (Phyllanthus urinaria) và cây bàng (Terminalia catappa) kích thích tăng trưởng, cải thiện khả năng hấp thụ thức ăn và tăng tỷ lệ sống cho tôm thẻ chân trắng. Do đó, thảo dược được coi là giải pháp hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch cho tôm.

 

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng các mẫu lá của 10 loại cây thảo dược, bao gồm: bụp giấm (Hibiscus sabdariffa); trinh nữ (Mimosa pirga); bạch đàn (Eucalyptus globulus); cây tràm (Melaleuca Leucadendron); me nước (Pithecellobium dulce); cây na (Annona squamosa); cây điên điển (Sesbania sesban); cây quách (Limonia acidissima); khế (Averrhoa carambola) và lá lốt (Piper sarmentosum) được thu thập tại tỉnh Trà Vinh, Việt Nam.

Hiệu quả kháng khuẩn của các chiết xuất thảo dược đối với V. parahaemolyticus đã được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán đĩa giấy trên môi trường TSA, ủ ở 28°C trong 24 giờ.

Tôm thẻ chân trắng (8 g/con) được nuôi trong bể composite, cho ăn viên thức ăn chiết xuất thảo dược (bụp giấm, bạch đàn, trinh nữ) 4 lần/ngày trong 30 ngày. Hiệu suất tăng trưởng (cân nặng, chiều dài) được đánh giá định kỳ 5 ngày/lần.

Sau 30 ngày cho ăn chiết xuất thảo dược, tôm được ngâm trong vi khuẩn V. parahaemolyticus (mật độ 2×10⁷ CFU/mL) trong 15 phút. Tôm đối chứng âm được ngâm trong môi trường TSB khử trùng với 1,5% NaCl. Sau đó, tôm được nuôi trong xô nhựa 150L chứa 120L nước biển độ mặn 15 ppt, có thêm V. parahaemolyticus (mật độ 10⁶ CFU/mL). Xô đối chứng âm không có vi khuẩn. Tôm được sục khí và cho ăn viên thức ăn (CP, 40% protein) phủ chiết xuất thảo dược 3 lần/ngày. Tôm ở xô đối chứng dương chỉ được cho ăn thức ăn thương mại. Thí nghiệm có 5 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức gồm 20 cá thể tôm, lặp lại ba lần.

 

Kết quả nghiên cứu

Hoạt động ức chế của chiết xuất thảo dược

Cả 10 loại thảo dược đều thể hiện khả năng ức chế sự phát triển của V. parahaemolyticus, nguyên nhân chính gây ra AHPND trên tôm thẻ chân trắng (Bảng 1).

Bảng 1. Hoạt tính ức chế vi khuẩn của chiết xuất thảo dược

Kháng: ≤ 9mm; Nhạy trung bình: ≥ 10 – 13mm; Nhạy: ≥ 14mm; đối chứng dương Doxycyclin 30µg (DOX) và Đối chứng âm: Dimethyl Sulfoxidec (DMSO)

 

Đường kính vòng vô khuẩn của các loại thảo dược dao động từ 12,33 đến 25,67 mm. Bụp giấm, trinh nữ và bạch đàn cho thấy hiệu quả ức chế V. parahaemolyticus tốt nhất so với các loại thảo dược khác. Kết quả cũng cho thấy, đây là những loại hiệu quả nhất trong việc ức chế V. parahaemolyticus, cho thấy tiềm năng tốt trong ngăn ngừa và điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Hình 1. Vòng vô khuẩn của bụp giấm (A), trinh nữ (B) và bạch đàn (C) chống lại vi khuẩn V. parahaemolyticus

 

Xét nghiệm MIC và MBC của 3 chiết xuất thảo dược

Cây bụp giấm, trinh nữ và bạch đàn có khả năng ức chế V. parahaemolyticus cao nhất, với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 0,02 mg/mL. Tuy nhiên, MBC của bạch đàn (0,08 mg/mL) cao hơn so với bụp giấm và trinh nữ (0,04 mg/mL). Tỷ lệ MBC/MIC của bạch đàn là 4, trong khi của bụp giấm và trinh nữ là 2. Kết quả cho thấy các chiết xuất này có khả năng ức chế và diệt khuẩn.

 

Tốc độ tăng trưởng của tôm khi sử dụng thảo dược

Việc bổ sung bụp giấm và trinh nữ vào thức ăn giúp tăng trọng lượng của tôm, đặc biệt là ở ngày thứ 30. Trọng lượng trung bình cao nhất là 21,67 g/tôm ở nghiệm thức bụp giấm, tiếp theo là trinh nữ (21,52 g/tôm) và bạch đàn (20,85 g/tôm) (p > 0,05). Bổ sung bụp giấm và trinh nữ cải thiện trọng lượng tôm, nhưng sự khác biệt giữa các nghiệm thức thảo dược là không đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng của tôm sau 10 và 30 ngày nuôi đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm. Chiết xuất bụp giấm thúc đẩy tôm phát triển nhanh nhất vào ngày thứ 10, trong khi trinh nữ lại thể hiện hiệu quả vượt trội hơn vào ngày thứ 30. Những kết quả này khẳng định rằng việc bổ sung chiết xuất bụp giấm và trinh nữ có tác động tích cực đáng kể đến SGR và DWG của tôm.

Về tỷ lệ sống, tất cả các nghiệm thức sau 30 ngày đều ghi nhận tỷ lệ sống dao động từ 84,50% đến 88,90%, với tỷ lệ sống cao nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm. Việc bổ sung chiết xuất thảo dược vào thức ăn không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng.

 

Tác động của chiết xuất thảo dược đến khả năng chống AHPND của tôm

Số lượng vi khuẩn V. parahaemolyticus trong gan tụy tôm cao nhất ở nhóm đối chứng, thấp nhất ở nhóm dùng bạch đàn. Nhóm dùng bụp giấm có số lượng vi khuẩn ở mức trung bình. Tất cả 3 chiết xuất thảo dược đều làm giảm nhiễm V. parahaemolyticus vào gan tụy của tôm thẻ chân trắng.

Cho tôm thẻ chân trắng nhiễm V. parahaemolyticus ăn chiết xuất thảo dược làm giảm đáng kể tỷ lệ chết (Hình 2). Tỷ lệ chết trong các phương pháp điều trị bằng chiết xuất thảo dược thấp hơn so với đối chứng dương (46,67%) (p < 0,05). Phương pháp điều trị bằng bụp giấm có tỷ lệ chết thấp nhất (13,33%), tiếp đến là phương pháp sử dụng chiết xuất trinh nữ (18,33%). Phương pháp sử dụng chiết xuất bạch đàn cũng cải thiện tỷ lệ sống, với tỷ lệ chết thấp hơn so với đối chứng dương. Chiết xuất bụp giấm và trinh nữ cải thiện tỷ lệ sống của tôm nhiễm V. parahaemolyticus và không bị ảnh hưởng bởi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Hình 2. Tỷ lệ chết của tôm chân trắng sau 14 ngày thử thách (trung bình ± độ lệch chuẩn).

 

Việc bổ sung chiết xuất bụp giấm, trinh nữ và bạch đàn đã cải thiện tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống, khả năng kháng bệnh của tôm khi nhiễm bệnh do vi khuẩn V. parahaemolyticus. Đây được xem là thảo dược tiềm năng tốt nhất trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính gây ra trên tôm.

 

Tài liệu lược dịch: Nguyen, T. T., Luu, T. T., Nguyen, T. T., Pham, V. D., Nguyen, T. N., Truong, Q. P., & Hong, M. H. (2023). A comprehensive study in efficacy of Vietnamese herbal extracts on whiteleg shrimp (Penaeus vannamei) against Vibrio parahaemolyticus causing acute hepatopancreatic necrosis disease (AHPND).

Ngọc Anh (Lược dịch)