Ninh Thuận: Mục tiêu sản xuất 50 tỷ tôm giống vào năm 2025

[Người Nuôi Tôm] – Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước và sản xuất 50 tỷ con tôm post vào năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện.

Kiểm soát đầu vào chặt chẽ để cung cấp tôm giống chất lượng cho thị trường

 

Rất nhiều tiềm năng để phát triển

Ninh Thuận được công nhận là một địa phương tiềm năng cho sản xuất tôm giống nhờ vào nhiều điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, với bờ biển dài hơn 105 km và là một trong 18 điểm nước trồi ven bờ hiếm hoi trên thế giới, cùng với vùng lãnh hải rộng lớn và nguồn nước biển chất lượng cao, độ mặn ổn định, Ninh Thuận có những yếu tố lý tưởng để phát triển ngành tôm giống.

Nghề sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận đã phát triển từ năm 1990, kéo dài hơn 20 năm, tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao và kỹ thuật chuyên môn vững vàng. Nhờ vậy, Ninh Thuận đã xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ trong lĩnh vực tôm giống và trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao hàng đầu cả nước.

Thêm vào đó, ngành sản xuất tôm giống của Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Bộ NN&PTNT, Cục Thủy sản cùng các đơn vị liên quan. Theo Đề án “Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 – 2030”, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng 50 tỷ con tôm giống, đồng thời chủ động sản xuất khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 457 cơ sở sản xuất, cung cấp từ 40 – 50 tỷ con tôm giống mỗi năm, đáp ứng khoảng 30 – 40% nhu cầu của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm, Ninh Thuận đã sản xuất hơn 33 tỷ con tôm giống và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu 44 tỷ con vào cuối năm. Tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra.

 

Đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất giống

Hiện nay, nhu cầu tôm giống trên toàn quốc ước tính khoảng 200 tỷ con, trong đó Ninh Thuận đã cung cấp từ 35 – 40% tổng lượng tôm giống. Điều này không chỉ khẳng định tiềm năng mà còn thể hiện lợi thế sản xuất tôm giống chất lượng cao của tỉnh.

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, để đáp ứng nhu cầu thị trường về nguồn tôm giống chất lượng, các hội viên của Hiệp hội giống Thủy sản Ninh Thuận đã áp dụng rất nhiều những biện pháp an toàn sinh học khác nhau như ứng dụng nuôi cấy tạo thuần chủng để phục vụ cho dinh dưỡng thức ăn cho tôm, kết hợp với việc ứng dụng các hệ thống lọc, siêu lọc để cản các tạp chất, màng vi khuẩn có hại cho tôm, sử dụng công nghệ xử lý nước thay công nghệ hóa chất bằng công nghệ vi sinh.

“Đây cũng là một trong những bước cải thiện để chất lượng con tôm được nâng cao. Quy trình sản xuất cũng được tỉnh chú trọng đầu tư, hiện nay tỉnh ứng dụng hoàn toàn bằng công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, thậm chí có những doanh nghiệp đ ã ứng dụng các hệ thống nước tuần hoàn ở trong sản xuất trại giống. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư công nghệ kiểm soát bệnh học trên máy PCR để tầm soát được các mầm bệnh nguy hại cho tôm giống. Với những công nghệ tiên tiến này, chúng tôi tin rằng chất lượng tôm giống phục vụ cho bà con cả nước luôn được đảm bảo”, ông Lê Văn Quê nhấn mạnh.

Ninh Thuận cung cấp từ 35 – 40% tổng lượng tôm giống trên cả nước

 

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh là điều kiện tất yếu

Hiện nay, việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương, trong đó có Ninh Thuận. Tỉnh đã đảm bảo 457 cơ sở sản xuất tôm giống đạt 100% tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ương dưỡng. Hơn nữa, Ninh Thuận đã thiết lập 11 cơ sở an toàn dịch bệnh, bao gồm 9 cơ sở dành cho tôm giống và 2 cơ sở cho tôm bố mẹ, chiếm hơn 50% tổng số cơ sở an toàn dịch bệnh trên cả nước.

Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tại, Ninh Thuận đang đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, với mục tiêu hướng tới sự tự chủ trong quản lý. Điều này có nghĩa là các cơ sở sản xuất cần tự nhận diện nguồn nguy cơ lây truyền mầm bệnh, bao gồm từ con người, yếu tố đầu vào, thức ăn và con giống. Thay vì chỉ phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước để kiểm tra và xét nghiệm, các cơ sở sẽ chủ động xây dựng phương pháp quản lý và kiểm soát mầm bệnh, đồng thời lưu giữ kết quả để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

“Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tiếp tục hướng dẫn đối với những cơ sở có quy mô sản xuất trên 1 tỷ con giống/năm, có đủ năng lực, đủ nguồn lực để tự thực hiện công việc này nhằm hướng tới xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh”, ông Huỳnh Minh Khánh cho biết thêm.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường về tôm giống sạch bệnh, thời gian qua các doanh nghiệp, cơ sở ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh đã đầu tư rất nhiều về công nghệ an toàn sinh học cũng như chú trọng đến yếu tố đầu vào. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Newway, chia sẻ: “Công ty áp dụng các quy trình men vi sinh, xử lý nước rất kỹ để tôm có thể thích ứng với môi trường hiện tại. Bởi hiện tại, môi trường nuôi tôm gặp rất nhiều bất lợi, đặc biệt là khoảng 1 – 2 năm trở lại đây”.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Tuấn Hà, ông Phạm Đức Hạnh, Giám đốc sản xuất, cho hay: “Để cho ra những con tôm chất lượng nhất trên thị trường thì ngay từ khâu kiểm soát đầu vào cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, tôm bố mẹ được chúng tôi nhập khẩu từ những đơn vị chất lượng nhất trên thế giới. Tiếp đến là khâu trang trại, đặc biệt là khâu an toàn sinh học cũng được chúng tôi chú trọng đầu tư. Chúng tôi đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất từ khâu kiểm tra đầu vào đến khâu sản xuất”.

 

Định hướng phát triển trong tương lai

Với mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước về sản xuất tôm giống chất lượng cao, tỉnh đã phê duyệt hai khu quy hoạch sản xuất tôm giống với tổng quy mô 268 ha, bao gồm khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải và khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải. Hiện, tỉnh đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để kiểm soát vấn đề phát thải gây ô nhiễm môi trường tại hai khu này, đảm bảo chất lượng tôm giống sản xuất ra hoàn toàn sạch bệnh.

“Hiện nay, khu quy hoạch sản xuất tôm giống thủy sản công nghệ cao An Hải và khu sản xuất tôm bố mẹ công nghệ cao Sơn Hải với quy mô tổng diện tích 205,7 ha được công bố quy hoạch với tỷ lệ 1/2000. Tỉnh đang thực hiện bước tiếp theo để quy hoạch chi tiết bản đồ 1/500, tiến tới lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định trong thời gian sớm nhất. Đối với khu Sơn Hải, với diện tích 133,2 ha hiện nay đang trong quá trình lập quy hoạch, phân khu xây dựng với tỷ lệ bản đồ 1/2000. Việc sớm đưa các khu quy hoạch này vào sẽ đáp ứng được tiền đề của Đề án cũng như góp phần giúp Ninh Thuận giữ vững được thương hiệu và tiếp tục phát triển trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 – 2030”, ông Huỳnh Minh Khánh cho biết thêm.

Đánh giá cao tầm quan trọng của quy hoạch sản xuất, ông Lê Văn Quê cho biết thêm: “Đẩy mạnh quy hoạch rất quan trọng. Bởi quy hoạch tập trung thì mới xây dựng, đáp ứng được các điều kiện về môi trường, điều kiện về cách ly với các lĩnh vực ngành nghề khác. Khi chúng ta quy quy hoạch bài bản thì các chủ doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, điều này sẽ này sẽ phá vỡ tính manh mún trong các trang trại nhỏ lẻ. Hy vọng, sắp tới với sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ, tỉnh sẽ sớm triển khai 2 khu quy hoạch sản xuất tôm giống tập trung, đặc biệt là khu tập trung nuôi thuần dưỡng, gia hóa, chọn lọc di truyền gen đối với tôm bố mẹ tại Sơn Hải”.

Như vậy, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh quy hoạch, đặc biệt là khuyến khích các đơn vị tham gia vào giám sát dịch bệnh hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ đạt 100% các cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất.

Phương Nhung (Tổng hợp)

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, trước khi tiến hành sản xuất (trong khoảng thời gian từ 25 – 30 ngày cho mỗi đợt), các cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống cần đăng ký với Chi cục Thủy sản và các đơn vị liên quan. Trong quá trình sản xuất, các cơ sở này sẽ phải đảm bảo các biện pháp ngăn ngừa ba loại dịch bệnh chính trên tôm, bao gồm: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô.

Theo quy định, đơn vị sẽ cử cán bộ đến trực tiếp các trại sản xuất để lấy mẫu gộp, dựa trên số lượng hồ và bể ương dưỡng mà cơ sở đã đăng ký cùng với ước lượng sản lượng và số lượng sản phẩm sẽ được xuất ra thị trường. Những mẫu này sẽ được xét nghiệm nhằm xác định độ an toàn và mỗi đợt sản xuất sẽ được cấp một phiếu xét nghiệm có giá trị duy nhất. Khi cơ sở chuẩn bị xuất bán giống, họ cần tiếp tục thực hiện khai báo và kiểm dịch viên sẽ đến tận nơi để kiểm tra dấu hiệu lâm sàng của đàn tôm giống. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với ba loại dịch bệnh, giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ được cấp, và đơn vị sẽ trực tiếp giám sát quá trình vận chuyển sản phẩm ra thị trường.

Hàng ngày, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận đều công bố kết quả kiểm dịch của từng cơ sở sản xuất tôm giống trên trang web của đơn vị. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng phối hợp chặt chẽ để theo dõi thông tin, kịp thời xử lý và phản hồi khi phát hiện trường hợp vi phạm kiểm dịch sản phẩm trong quá trình vận chuyển, hoặc đã được chuyển đến các vùng nuôi. Điều này nhằm đảm bảo các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, bảo vệ an toàn cho người nuôi thương phẩm.