Cách nhận biết ao nuôi thiếu khoáng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Khoáng là yếu tố quan trọng trong ao nuôi, quyết định tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm. Vậy làm thế nào để biết tôm trong ao nuôi thiếu khoáng, dưới đây là một số cách nhận biết.

Khoáng cho tôm bao gồm các loại khoáng chất như: CaCl2 , MgCl2 , KCl… rất quan trọng cho sự phát triển của tôm, giúp tôm lớn nhanh, cứng cáp, khỏe mạnh và đồng thời làm tăng năng suất cho các hộ nuôi. Tôm có nhu cầu khoáng cao, nhất là trong quá trình lột xác.

Nếu tôm thiếu khoáng sẽ dẫn đến hiện tượng cong thân, dị hình, biến dạng, ốp vỏ, lột xác giảm, lột xác dính vỏ, tỷ lệ chết cao, tăng trưởng chậm, tần suất lột xác giảm.

Các cách nhận biết ao nuôi thiếu khoáng

– Sử dụng test nhanh hoặc máy đo.

– Nhận biết thông qua màu sắc nước thay đổi bất thường, thường xảy ra với ao nuôi tôm mật độ dày hoặc tôm đồng loạt lột xác.

Dấu hiệu nhận biết tôm trong ao nuôi thiếu khoáng

  • Thời gian đầu, tôm xuất hiện những chấm đen li ti trên vỏ.
  • Bị đục cơ từng phần rồi lan ra toàn thân, đi kèm là dấu hiệu bị cong thân.
  • Khi bị thiếu khoáng trầm trọng, tôm sẽ rớt đáy, có ao rớt vài con, có ao rớt vài chục con, thậm chí có ao sẽ rớt từ 9-10 con mỗi ngày.
  • Khi tôm đang trong giai đoạn lột xác, vỏ mềm và chậm phát triển.
  • Thông thường, tôm tăng trưởng mạnh nhất từ 30-35 ngày tuổi, nếu giai đoạn này bị chậm thì hàm lượng Ca, Mg trong nước bị thiếu.

 

Biểu hiện của tôm thiếu khoáng

  • Ca: vỏ tôm mỏng, tôm ăn ít và giảm sinh trưởng.
  • P: khoáng trong vỏ tôm giảm, hiệu quả sử dụng thức ăn kém, tôm sinh trưởng chậm.
  • Mg: tôm dễ bị cong thân, mềm vỏ, đục cơ, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và tăng tỷ lệ chết ở tôm.
  • Fe: lượng bạch cầu trong máu giảm, gan bị vàng.
  • Cu: tôm sinh trưởng kém, dễ nhiễm bệnh.
  • Zn: giảm sự tăng trưởng và sức sinh sản của tôm.

 

Bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm

Tôm có thể hấp thu khoáng qua hai cách: Khoáng tạt ao tôm và khoáng trộn thức ăn cho tôm nuôi

  • Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường thông qua việc hấp thụ qua mang nên việc tạt trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất trong quá trình lột xác của tôm rất cần thiết.
  • Đối với những ao nuôi có độ mặn thấp, tôm khó khăn trong việc hấp thu khoáng hòa tan có trong môi trường nước. Trường hợp này cần bổ sung khoáng vào khẩu phần thức ăn cho ao tôm.

 

Tôm thường lột xác vào ban đêm, vì vậy nên bổ sung khoáng vào buổi chiều hoặc ban đêm từ 10-12 giờ. Trong giai đoạn này, nhu cầu oxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng từ môi trường nước để tạo vỏ.

Các loại khoáng chất cho tôm

  • Canxi – CaCl2 : Đây là loại khoáng được bổ sung thêm Ca cho tôm nuôi, đồng thời kích thích tôm lột xác, giúp tôm mau cứng vỏ, rút ngắn được thời gian tôm lột xác.
  • Magie – MgCl2 : Trong giai đoạn lột xác, bổ sung khoáng Mg là việc cần thiết giúp tôm lột xác nhanh và mau cứng vỏ.
  • Kali – KCl: Việc bổ sung khoáng K giúp phòng ngừa cong thân, đục cơ, kích thích tôm lột vỏ nhanh chóng nhất.

Minh Hòa