Nguồn cung ít vẫn không thiếu tôm

Thông thường, từ tháng 9 trở đi, câu chuyện của ngành tôm thường xoay quanh mối liên hệ giữa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. Năm nay cũng vậy, chỉ có điều hơi khác đôi chút khi nguồn cung tuy không còn dồi dào, giá tôm vẫn giữ ở mức cao, nhưng hầu như chưa nghe thấy nhà máy nào lên tiếng về chuyện thiếu nguyên liệu.

Theo những người nuôi tôm lâu năm tại các tỉnh nuôi tôm lớn trong khu vực, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… vụ nuôi chính năm nay vốn dĩ đã khó, đến vụ nghịch này lại càng khó hơn, nên kết quả sẽ khó có thể như mong đợi. Tôi đồng tình với nhận định này, bởi trong suốt từ đầu vụ nuôi đến nay, từ thời tiết cho đến môi trường, rồi dịch bệnh… hầu hết đều chống lại người nuôi tôm. Đơn cử như độ mặn có nơi mới vào tháng 5 đã không còn và hiện tại thì gần như không thể lấy nước để nuôi tôm được. Đó là chưa kể đến dịch bệnh EHP cũng xuất hiện sớm hơn, gây khó khăn nhiều hơn và kéo dài đến tận thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Tuy âm ỉ, nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh vi bào tử trùng (EHP) có sự phát tán khá lớn tại những vùng nuôi tôm. Cùng với đó là thời tiết thất thường khiến vụ nghịch càng thêm khó. Cũng do vi bào tử trùng khiến tôm chậm lớn, nên tôm cỡ lớn rất hiếm, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải mua vào để trả nợ hợp đồng nên giá có phần tăng mạnh”.

Do sức tiêu thụ chậm lại nên dù nguồn cung giảm mạnh, tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu vẫn không xảy ra ngay lúc cao điểm. Ảnh: TÍCH CHU

Tình hình nuôi tôm đang khó, nên nguồn cung tôm nguyên liệu trong tháng 9 cũng ít hơn từ 30 – 40% so với tháng 8. Tuy nguồn cung giảm mạnh, giá tôm vẫn giữ ở mức cao, nhưng có điều lạ là chuyện thiếu hụt nguyên liệu vẫn không hề xảy ra như quy luật hàng năm. Đúng là lạ thật, bởi 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng trưởng rất mạnh, chỉ hơi chững lại đôi chút trong tháng 6 – 7, nhưng cũng kịp lấy lại đà tăng trưởng ngay sau đó trong tháng 8. Hơn nữa, do môi trường, dịch bệnh, thời tiết thất thường nên sản lượng tôm năm nay cũng không thể gọi là dồi dào để các doanh nghiệp có được khoảng dự trữ lớn phục vụ cho lúc cao điểm từ nay đến cuối năm, chứ nói chi đến những tháng đầu năm.

Thắc mắc của người viết đã được ông Lực phần nào làm sáng tỏ qua lý giải: “Đó là do tình hình lạm phát khiến sức mua của người tiêu dùng tại các thị trường lớn giảm xuống, nhà nhập khẩu tồn kho số hàng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm. Vì vậy, các doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường cao cấp, tốc độ chế biến không nhanh như chế biến bình thường nên với hợp đồng đã có, nguồn cung nguyên liệu như hiện nay nói chung là vừa phải, về cơ bản vẫn đáp ứng doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu làm nhiều trong thời điểm hiện nay cũng không biết bán cho ai, vì sức tiêu thụ đang chậm lại”.

Doanh nghiệp không thiếu nguyên liệu, nhưng vì sao giá tôm vẫn tăng cao, nhất là tôm cỡ lớn? Vấn đề này, được ông Lực giải thích: “Giá tôm gần đây vẫn tăng mạnh, nhất là tôm cỡ lớn chủ yếu là do một số doanh nghiệp đẩy giá thu mua lên để có được nguồn hàng kịp trả nợ hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng. Đây là tình huống bắt buộc nhằm giữ uy tín với khách hàng, dù biết rằng làm như vậy sẽ không có lời, thậm chí sẽ bị lỗ”.

Cũng theo ông Lực, một số cường quốc nuôi tôm, như: Ecuador và Ấn Độ năm nay có sản lượng khá tốt, nên mức cung của họ sang các thị trường lớn, chủ yếu là Mỹ rất mạnh. Ở Việt Nam, tình hình nuôi tôm lại không được như ý, sản lượng tôm nuôi không được tốt như năm rồi. Do đó, xuất khẩu tôm sẽ không tăng mạnh trong thời gian còn lại của năm 2022 và cả năm tăng trưởng cũng chỉ quanh mức hơn 4 tỷ USD. Còn theo ông Phục, từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu tôm sẽ rất căng vì hầu như doanh nghiệp không ký thêm hợp đồng mới nào. Ông Phục chia sẻ: “Chẳng những không có thêm hợp đồng mới mà một số hợp đồng đã ký trước đó, khách hàng còn chưa cho giao hàng vì họ đang tồn kho do sức tiêu thụ đang rất chậm. Thậm chí một số nước bị ảnh hưởng lớn về lạm phát còn đề nghị hủy hợp đồng khiến cho việc xuất khẩu hết sức khó khăn”.

Nhận định về triển vọng ngành tôm trong năm tới, theo ông Lực là rất khó, bởi nó phụ thuộc rất lớn vào nhiều yếu tố, như: căng thẳng giữa Nga – Ukraine kết thúc sớm hay muộn, lạm phát có được đẩy lùi, kinh tế thế giới có được ổn định… Đó là bên ngoài, còn trong nước, nhất là tình hình vụ nuôi mới năm 2023 có thả sớm được hay không, thả nhiều hay ít, tỷ lệ thành công cao hay thấp… mới có thể biết được. Tuy còn nhiều khó khăn lẫn áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong, nhưng doanh nghiệp tôm Việt Nam cũng có lợi thế khác là sản xuất nhiều mặt hàng giá trị gia tăng, bán được mức giá cao mà một số nước chưa làm được, nên có điều kiện chia sẻ giá mua với người nuôi. Tuy nhiên, hiện những mặt hàng nào, các nước làm được thì chúng ta rất khó cạnh tranh, do chi phí, giá thành sản xuất của Việt Nam còn cao quá. Vì vậy, theo ông Lực, để giữ vững ưu thế cạnh tranh cho ngành tôm, Chính phủ, bộ, ngành cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng công suất, giảm giá thành mới giải quyết được vấn đề này trong tương lai.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng,