Nâng cao hiệu quả nuôi tôm trong mùa mưa bão

Vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến thất thường, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến người nuôi trồng thủy sản nói chung và người nuôi tôm nói riêng. Vì vậy, người nuôi cần chú ý chế độ chăm sóc, quản lý môi trường nước trong ao nuôi để giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả nuôi trồng.


Vào mùa mưa, người nuôi tôm cần chú ý vệ sinh khu nuôi để tránh mầm bệnh. Trong ảnh: Vệ sinh ao nuôi tôm sau thu hoạch tại Liêng Giang Farm (xã An Ngãi, huyện Long Điền).

Nhiều nguy cơ về mầm bệnh

Các hộ nuôi tôm trong ao đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết xấu. Vào mùa mưa, độ pH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Biên độ nhiệt trong ngày lớn cũng khiến sức ăn của tôm giảm. Lượng oxy trong nước giảm sau cơn mưa cũng khiến tôm dễ mắc bệnh. Do đó, người nuôi phải chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, điều này giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Sau những lần xuất hiện mưa, cần tiến hành kiểm tra môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Phạm Văn Bạch (KP. 4, phường 12, TP.Vũng Tàu) có 3ha diện tích nuôi tôm trên ruộng muối. Do nuôi theo phương thức truyền thống nên vào mùa mưa, thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi tôm, vì vậy theo ông Bạch, để đạt hiệu quả, khâu quan trọng nhất là phải biết cách điều chỉnh môi trường nước cho ao nuôi. Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Bạch, người nuôi trồng thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nhất là mật độ nuôi, quản lý chặt các yếu tố môi trường trong ao nuôi. Cần theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, không để nước mưa đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể khiến tôm chết hàng loạt.

“Nuôi tôm trong mùa mưa cần chú trọng nhiều yếu tố để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại về nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra, việc xử lý các vấn đề như bờ kè, ống xả cũng rất quan trọng. Đối với ao nuôi cần phải ủi, lên bờ, tấn bạt cho ao, đặc biệt phải xử lý, đánh vôi nguồn nước cho ổn định, hàng vụ phải làm, thậm chí vừa nuôi vừa xử lý”, ông Bạch chia sẻ thêm.

Theo ngành nông nghiệp, vào mùa mưa, những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc xử lý ao nuôi cũng đòi hỏi người nuôi phải chú trọng, trước mùa mưa, đối với ao, đìa, nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao. Đồng thời gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Còn sau mưa lũ, người nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao…

Thống kê từ Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng 18 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, diện tích khoảng 352ha, tăng gần 100ha so với năm 2019. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn có lót bạt trong nhà màng; công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250-500 con/m2.

Nuôi tôm công nghệ cao để hạn chế rủi ro

Ngoài những biện pháp xử lý ao nuôi thủ công để bảo vệ tôm trong mùa mưa, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng để giảm nguy cơ dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Quang Hùng (ngụ phường 12, TP.Vũng Tàu) hiện đang nuôi tôm trên diện tích 2.700m2. Trước đây, ông Hùng nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, song rủi ro khá cao, đặc biệt là vào mùa mưa, rất dễ xảy ra dịch bệnh. Năm 2018, ông Hùng đã đầu tư nuôi tôm sú theo hướng ứng dụng công nghệ cao (áp dụng quy trình lắng lọc nước hiện đại, lót bạt nền ao, lắp đặt hệ thống mái che, máy sục khí, quạt…) trên diện tích 1.500m2, nhờ đó, việc nuôi tôm thuận lợi hơn trước rất nhiều. Hiện ông đang nuôi 3 vụ tôm/năm, sản lượng trung bình đạt trên 16 tấn, trừ chi phí mỗi năm gia đình lãi gần 1 tỷ đồng.

“Chuyển qua nuôi công nghệ cao lót bạt như thế này thì an toàn hơn và nâng được số vụ trong năm lên, khi làm được công nghệ cao thì rủi ro về thời tiết đã giảm tối đa và kết quả thu được cũng ổn định hơn trước rất nhiều”, ông Hùng cho hay.

Còn theo ông Bùi Thế Vương, một trong những hộ nuôi tôm công nghệ cao tại xã An Ngãi (huyện Long Điền), nếu nuôi theo truyền thống thì gặp rủi ro rất lớn từ dịch bệnh và nguồn nước đầu vào, nhất là trong mùa mưa. Nhưng với mô hình nuôi công nghệ cao sẽ cải tiến, loại bỏ phần lớn các yếu tố nguy cơ về dịch bệnh, giúp an toàn khi nuôi và giảm rủi ro. Vì thế lợi nhuận chắc chắn tăng lên và năng suất cao hơn bà con nuôi truyền thống.

Với phương pháp nuôi theo công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, nên có thể thả giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ. Do không bị ảnh hưởng khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi nên lợi nhuận thu được từ cách nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng cao hơn từ 2-3 lần so với nuôi tôm thông thường, có thể lên đến 150-200 triệu đồng/1.000m2/vụ.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn tin: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu