Người nuôi tôm ‘khát’ vốn

Nuôi trồng thủy sản mà đặc biệt là phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những trụ cột quan trọng giúp Bạc Liêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và hơn hết là hướng đến trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước. Song, thế mạnh này chưa được phát huy khi chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nông dân và cả ngân hàng.


Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang dần hoàn thiện của người dân ở xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình).

Khó tiếp cận vốn

Thiếu vốn đang là tình cảnh chung của đại đa số nông dân theo nghề nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thời gian qua rất hạn chế. Để có tiền đầu tư chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm hoặc chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh rồi siêu thâm canh, không ít hộ dân đã phải mang sổ đỏ đi cầm cố, thế chấp các ngân hàng. Thế nhưng, với khoản vay được duyệt chỉ từ 200 – 250 triệu đồng/ha thì không thấm vào đâu so với mức đầu tư lớn như loại hình nuôi siêu thâm canh.

Không chỉ những hộ làm ăn đơn lẻ khó tiếp cận nguồn vốn, mà ngay cả các hợp tác xã…, việc tiếp cận vốn cũng không khởi sắc. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) – Đặng Văn Ngọc, chia sẻ: “Các ngân hàng thương mại thường không mặn mà với loại hình nuôi tôm công nghiệp vì tính rủi ro quá cao. Để có vốn đầu tư sản xuất, hầu hết các xã viên đều phải dùng tài sản có giá trị hoặc sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng”.

Thiếu vốn, không cách nào khác để đầu tư cho sản xuất, người nuôi tôm đành chấp nhận mua trả chậm với giá cao hơn nhiều so với trả tiền mặt. Với mỗi ki-lô-gam thức ăn mua trả chậm, người nuôi phải chấp nhận giá cao hơn từ 8.000 – 9.000 đồng. Trong khi giá thành tôm nguyên liệu như hiện nay, cùng với giá vật tư đầu vào từ con giống, thuốc, hóa chất… đều tăng thì những người mua trả chậm xem như rất khó có lãi.

Mặc dù các ngân hàng không công khai chuyện “quay lưng” đầu tư cho nuôi tôm, vì thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phải ưu tiên vốn cho phát triển nông nghiệp – nông thôn, song hầu như các ngân hàng đều “triệt buộc” nông dân bằng cách phải chứng minh được hiệu quả và nắm chắc lợi nhuận từ nuôi tôm. Trong khi đó, nuôi tôm là nghề mang tính đặc thù, rủi ro cao, chỉ cần thời tiết thay đổi, hoặc gặp sự cố về môi trường, dịch bệnh là coi như cầm chắc thua lỗ. Vì vậy, khi nông dân làm thủ tục vay tiền để thực hiện các dự án hay mô hình nuôi tôm đều bị các ngân hàng xếp vào nhóm không khả thi và rủi ro cao.


Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: C.L

Cần chính sách riêng

Thông thường, khi các doanh nghiệp, nông dân không vay được tiền đều cho rằng ngân hàng cố tình làm khó. Tuy nhiên, cần hiểu rằng đó là nguyên tắc, chuyện phải làm của các ngân hàng. Bởi, ngân hàng cũng như các doanh nghiệp khác, phải huy động vốn cho vay, phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng và phải hạch toán lãi, lỗ. Do vậy, các ngân hàng chọn giải pháp an toàn theo phương châm “đã đầu tư thì phải sinh lãi”. Nếu như vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, đối tượng chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật không ai khác chính là ngân hàng.

Từ thực tế trên, để cho vay theo chuỗi giá trị tôm, phải chăng cần xây dựng hành lang pháp lý, các định chế tài chính, có doanh nghiệp tham gia chuỗi? Thực tiễn đã chứng minh, tuy con tôm được xếp vào một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược mang lại ngoại tệ cao, nhưng việc thực hiện các chính sách tín dụng cho phát triển con tôm trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Các chính sách hỗ trợ được ban hành, nhưng còn chung chung và chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân và ngân hàng; việc xây dựng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; các bên chưa thực hiện đúng cam kết; vai trò “trọng tài” của Nhà nước chưa được phát huy.

Để xây dựng thành công cho vay theo chuỗi giá trị tôm, góp phần giải quyết khó khăn về nguồn vốn phục vụ nuôi tôm, cần thực hiện có hiệu quả các quy định về pháp lý. Đó là các quy định về cho vay mà ngân hàng không thể từ chối nếu như nông dân, doanh nghiệp chứng minh được tính khả thi của mô hình, dự án; có cơ chế xử lý rủi ro, đảm bảo lợi ích của các bên (Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng) và các bên phải chịu trách nhiệm của mình trong thực hiện đầu tư, liên kết sản xuất; và cần lắm việc thực hiện chính sách bảo hiểm cho con tôm.

Chí Linh

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu,