Trà Vinh đón đầu xu hướng với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Sau 2 năm triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Trà Vinh và thu được kết quả có triển vọng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai cho năm thứ 3 tại một hộ nuôi “trước giờ chỉ nuôi ao đất”, đó là anh Bền thuộc địa bàn huyện Cầu Ngang.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Trà Vinh. Ảnh: Farmext

Trà Vinh – một vùng đất có thế mạnh về nuôi tôm sở hữu gần 11.500 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh mật độ cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang dần trở nên phổ biến và có hiệu quả rõ rệt những năm gần đây. Với phương thức nuôi 2-3 giai đoạn, tăng mật độ thả lên đến 150-300 con/m2. Cùng hệ thống nuôi đầy đủ ao chứa, ao lắng, ao ương, ao nuôi có mương cấp nước và thoát nước riêng biệt.

Chứng kiến hiệu quả mô hình, các hộ nuôi hầu hết đều muốn chuyển đổi “từ truyền thống sang hiện đại” nhằm cải thiện nguồn kinh tế. Tuy nhiên, điều kiện để chuyển đổi cần chi phí khá cao vì vậy có khá ít hộ nuôi mạnh tay đầu tư. Nắm được xu hướng phát triển, Trung tâm Khuyến nông phát động chính sách hỗ trợ hộ nuôi chuyển đổi mô hình nuôi công nghệ trong nuôi tôm và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông sẽ hỗ trợ 50% chi phí từ con giống, thức ăn, thuốc đến thiết bị tự động, nông dân sẽ chịu 50% chi phí còn lại.

Hệ thống dàn quạt, sục khí đầy đủ cho ao nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Farmext

Anh Bền – một trong những hộ nuôi ở huyện Cầu Ngang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đầu tư chuyển đổi mô hình nuôi. Trước đây, anh Bền chỉ nuôi ao đất theo phương thức canh tác truyền thống. Mới đây vào hôm 27/4/2022, anh Bền được nhà nước đầu tư từ ao bạt với diện tích 1600m2, trang bị đầy đủ dàn quạt sục khí cho đến hệ thống giám sát trại nuôi tự động.

Hình ảnh lắp đặt máy đo môi trường cho hộ nuôi anh Bền. Ảnh: Farmext

Quay trở về với kết quả của mô hình nuôi tôm công nghệ cao một năm trước tại tỉnh Trà Vinh. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn, kết hợp hầm biogas xử lý môi trường, được thực hiện bởi 2 hộ nuôi tại huyện Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải. Mỗi hộ thả 600.000 con tôm giống trên diện tích 3000m2 và thu trên 19 tấn sau 75 ngày thả nuôi, lãi hơn 350 triệu đồng. Tôm đạt trọng lượng 63 con/kg, năng suất là 31,7 tấn/ha/vụ.

Sự khác biệt của mô hình nuôi tôm công nghệ cao năm nay là việc kết hợp giữa nuôi 2 giai đoạn với hệ thống giám sát cảnh báo môi trường tự động trong suốt quá trình nuôi. Trong hệ thống giám sát tự động mà Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh ứng dụng vào mô hình bao gồm: 1 máy đo môi trường tự động, tủ điều khiển các thiết bị ao nuôi từ xa, máy cho ăn tự động,…

Giải pháp của mô hình này mang lại đó là một ao nuôi tự động vận hành. Từ việc cho ăn, bật tắt quạt sục khí, đo môi trường, nhận biết dịch bệnh cho đến báo cáo thu chi, quản lý tồn kho đều được tự động hóa. Chủ nuôi chỉ cần giám sát thông qua chiếc điện thoại di động có kết nối Wifi, dễ dàng nắm bắt kịp thời tình hình ao trại và các vấn đề kỹ thuật, nhân công làm việc có hiệu quả không. Đồng thời, khi trại nuôi tự động vận hành, các chi phí điện, chi phí nhân công cũng được giảm bớt rủi ro vận hành do con người và dễ dàng mở rộng quy mô mà không mất quá nhiều chi phí lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế.

Tủ điều khiển từ xa các thiết bị nuôi trong ao. Ảnh: Farmext

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết: “Chúng tôi tự hào là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao toàn diện, thực hiện kịp theo nghị định Chính phủ trong nhiệm vụ chuyển đổi số cho nông nghiệp thủy sản. Chúng tôi cũng mong muốn những hộ nuôi ở Trà Vinh có thể cải thiện kinh tế từ thế mạnh của tỉnh đó là nuôi tôm. Năm nay qua năm kia nuôi không trúng khiến nhiều hộ nuôi nản chí làm chúng tôi đứng ngồi không yên. Đó cũng là lý do vì sao Trung tâm Khuyến nông tỉnh muốn triển khai những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản càng sớm càng tốt. Cải thiện đời sống người dân và duy trì nghề nuôi trồng thủy sản cho tỉnh.”

Trà Vinh là một trong những tỉnh đi đầu chuyển đổi số. Ảnh: Farmext

Về phía hộ nuôi, anh Bền cũng bày tỏ rằng nuôi tôm quả nhiên không dễ, nhưng cũng không khó. Suốt nhiều năm nuôi ao đất, anh gặp vô số vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh bất ngờ, thời tiết thì nắng mưa thất thường khiến cho đích đến của mỗi vụ nuôi như một xa hơn. Anh Bền cảm ơn Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ kịp thời để anh có thể chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao bền vững, ít rủi ro.

Qua đó có thể thấy, để có thể đi nhanh và đi xa hơn trên con đường chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản, điều kiện tiên quyết phải có sự đồng hành của cả nhà nước và người dân. Hy vọng với hướng đi mới, với mô hình nuôi mới sẽ giúp cho ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh có một bước nhảy vọt tươi sáng hơn.

Gia Mẫn @gia-man

Tepbac.com