Tôm sú Cà Mau được công nhận chỉ dẫn địa lý

Tôm sú Cà Mau vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý.


Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau”. Ảnh. TL.

Tôm sú Cà Mau được công nhận chỉ dẫn địa lý

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước với khoảng 280.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặm đạt khoảng 80.000ha. Đây được xem là mô hình nuôi tôm sú cho chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có gần 50.000ha diện tích nuôi theo mô hình lúa – tôm, cũng giúp tạo ra sản phẩm tôm sú và lúa gạo có chất lượng cao.

Tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, GlobalGAP… Thời gian qua, sản lượng và giá xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn nằm trong nhóm đứng đầu cả nước. Không chỉ có tiếng ở thị trường trong nước, sản phẩm tôm sú Cà Mau được xuất khẩu qua 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ thương hiệu tôm sú đã có tiếng, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Trung tâm Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) xây dựng chỉ dẫn địa lý và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau”.

Đến nay, có 3 doanh nghiệp được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau” là Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú và Công ty CP chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết: Tôm sú Cà Mau luôn duy trì được danh tiếng nhờ phương pháp sản xuất đước tích lũy từ lâu đời. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tôm sú không chỉ là sự nghi nhận của Nhà nước mà còn là thể hiện niềm tin của người tiêu dùng.

“Việc bảo hộ “Tôm sú Cà Mau” mới là bước khởi đầu, thời gian tới việc tổ chức, quản lý chỉ dẫn địa lý cần xây dựng các chính sách, bộ máy quản lý nhà nước hoàn trỉnh nhằm bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc, danh tiếng của sản phẩm”, ông Hồng cho biết.

Cua Cà Mau tăng giá trong dịp lễ 30/4 -1/5

Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, nhu cầu các mặt hàng thủy sản tăng mạnh. Đặc biệt là nguồn cung cua biển Cà Mau trở nên khan hiếm.

Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau giá cua gạch hiện nay được thương lái đến tận nơi thu mua với giá từ 470.000 – 490.000 đồng/kg. Cua y nhất (loại từ 300 gram) có giá từ 320.000 – 330.000 đồng/kg. Cua y tứ (loại từ 250 gram) có giá khoảng 220.000 đồng/kg. Trung bình mỗi loại tăng từ 20.000 đồng/kg so với tuần trước.

Chị Ngô Hồng Cẩm (ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) chia sẻ: Dịp lễ năm nay ngay đúng vào con nước xổ vuông nên rất thuận lợi trong việc thu hoạch. Năm nào cũng vậy, dịp lễ nhu cầu lớn là giá cua tăng cao nên nông dân thường thả giống sớm để thu hoạch. Giá cua hiện nay có giá như vậy là nông dân phấn khởi lắm rồi.

Phương Linh

(Theo nongnghiep.vn)