Xuất khẩu thủy sản Cà Mau chuyển mình thời hậu COVID-19

Tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế lớn của tỉnh cùng với cơ hội tốt từ các FTA, Cà Mau không ngừng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu thời hậu dịch COVID-19.


Nông dân thu hoạch tôm. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Cà Mau được ví là thủ phủ tôm của cả nước. Trong tổng diện tích nuôi thủy sản hiện có trên 300.000ha, diện tích nuôi chiếm đến khoảng 280.000 ha.

Tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế lớn của tỉnh cùng với cơ hội tốt từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Cà Mau không ngừng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu thời hậu đại dịch COVID-19.

Tận dụng tốt cơ hội ‘‘vàng’’ để đầy mạnh xuất khẩu

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp chế biến ngành hàng tôm, phân bón ở Cà Mau tiếp tục tận dụng tốt cơ hội và lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP, FTA… Điều này mang lại lợi thế, ưu đãi về thuế quan cho doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Ông Nam phân tích xuất khẩu thủy sản là ngành hàng chủ lực chiếm đến 92% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, tôm sú của Việt Nam được giảm mức thuế GPS về 0%, tôm thẻ chân trắng sẽ giảm dần mức thuế về 0% sau 5 năm. Trong khi đó một số quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador thì phải chịu mức thuế cơ bản theo quy định từ EVFTA.

[Cà Mau tăng sản lượng tôm, hướng tới kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD]

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau tận dụng lợi thế lớn để đẩy mạnh xuất khẩu ngay sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đây là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm một số thị trường lớn với 15 quốc gia; trong đó, có 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Nhờ tranh thủ tận dụng tốt cơ hội này, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau sang các nước thành viên EVFTA (EU) tăng 45,73%, Anh (Hiệp định UKVFTA) tăng 53,31%, các nước CPTPP tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường chính của tỉnh cũng gia tăng mạnh; cụ thể tại thị trường Mỹ tăng 40,42%, Trung Quốc tăng 30,1%, Campuchia tăng 70,8%…

Thêm nữa, giá tôm và phân bón xuất khẩu của Cà Mau gia tăng đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Cà Mau nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.

Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng quý 1/2022, lĩnh vực chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau vẫn tăng trưởng mạnh so cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 373 triệu USD, bằng 32,4% kế hoạch năm, tăng 104,6%; trong đó, chế biến thủy sản xuất khẩu (chủ lực là ngành hàng tôm) ước đạt trên 276 triệu USD, tăng 68,3% và chế biến phân bón xuất khẩu ước đạt 96,7 triệu USD, tăng 433,4% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị trường xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau được giữ vững ổn định, tôm Cà Mau đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường mới

Để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,15 tỷ đô la Mỹ đề ra trong năm nay, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Ủy ban Nhân dân tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả, kịp thời mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, Cà Mau tập trung chỉ đạo quyết liệt việc khôi phục, phát triển nhanh các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.


Thu hoạch tôm ở Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa và nhỏ, thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu. Bên cạnh đó, việc quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về các Hiệp định thương mại tư do (FTA) của các doanh nghiệp còn hạn chế, nên việc tận dụng cơ hội từ các FTA trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu còn nhiều khó khăn.

Các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của các thị trường liên tục thay đổi và kiểm soát nghiêm ngặt. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, nhất là mặt hàng thủy sản. Chưa kể một số khó khăn khác trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa như thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu, bốc xếp trong và ngoài nước tăng, thời gian vận chuyển kéo dài do tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch COVID-19.

Nhận định những khó khăn của doanh nghiệp, Sở Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu và tuyên truyền phổ biến các FTA, thị trường các nước xuất khẩu đến doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tập huấn nằm vững kiến thức, thông tin cơ bản hội nhập quốc tế, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, kỹ năng xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến phục vụ xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết giải pháp trọng tâm trong trong thời gian tới, đó là tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng và phát triển thị trường mới; tận dụng thật tốt cơ hội của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh tăng cường cung cấp kịp thời đến doanh nghiệp xuất khẩu thông tin về thị trường, cửa khẩu, các rào cản kỹ thuật trong thương mại để chủ động ứng phó, hạn chế những rủi ro.

Cà Mau chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, BRC nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của Việt Nam và quốc tế trong hoạt động xuất khẩu./.

Phương Linh

(Theo vietnamplus.vn)