Cảnh báo thời tiết giao mùa nắng nóng gây bất lợi cho tôm nuôi

Dự báo, từ nay đến cuối tháng 3/2022, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4-6 nguy cơ tôm nuôi dễ bị dịch bệnh.

Phát hiện tảo độc gây hại tôm hùm

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) vừa phát đi văn bản cảnh báo nắng nóng và thời tiết giao mùa gây bất lợi trong nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.


Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ thời tiết để xử lý kịp thời, tránh tôm nuôi bị thiệt hại. Ảnh: KS.

Theo Viện III, kết quả quan trắc giám sát môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ và nuôi tôm hùm tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ giai đoạn 2015-2021 cho thấy, thời kỳ từ tháng 4-6 hàng năm thường xuất hiện thời tiết nắng nóng kéo dài, xen kẽ những cơn mưa trái mùa gây biến động lớn đến môi trường ao nuôi tôm nước lợ (nhất là các yếu tố nhiệt độ, pH, độ mặn) và làm tăng các yếu tố dinh dưỡng tại các vùng nước cấp cho nuôi tôm nước lợ.

Ngoài ra, các mẫu nước thu trong thời kỳ này thường có mật độ vi khuẩn Vibrio spp. vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt có một số mẫu dương tính với V. parahaemolyticus mang gen pirA/pirB là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tuỵ cấp trên tôm nước lợ.

Đối với các vùng nuôi tôm hùm tập trung, một số chỉ tiêu nước có nhiều biến động và nhiệt độ nước tăng cao, hàm lượng DO giảm cục. Bên cạnh đó một số loại tảo (thường gặp là loài Peridinium sp.) có khả năng gây hại cho tôm cũng được phát hiện; mật độ Vibrio spp. cao làm tăng nguy cơ tôm hùm nhiễm bệnh đỏ thân ở giai đoạn giống và bệnh Vibriosis.


Nuôi tôm hùm bằng lồng bè trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: MH.

Trong khi đó, kết quả quan trắc môi trường từ tháng 1, 2 và đầu tháng 3/2022 tại các tỉnh Nam Trung Bộ cho thấy, môi trường nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ và vùng nuôi tôm hùm tiếp tục có biểu hiện ô nhiễm, mật độ Vibrio vượt ngưỡng cho phép. Riêng nước vùng nuôi tôm hùm đã phát hiện một số loài tảo độc có khả năng gây hại cho tôm hùm nuôi.

Thế nhưng theo dự báo từ nay đến cuối tháng 3/2022 thời tiết tiếp tục diễn ra phức tạp, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4-6 sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của tôm nuôi nước lợ và tôm hùm nuôi lồng. Từ đó dẫn tới dịch bệnh dễ xảy ra trên tôm, nhất là bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi và bệnh nhân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ.

Giải pháp
Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết theo yêu cầu của Tổng cục Thủy sản, Viện III đưa ra một số giải pháp cảnh báo và khắc phục.


Người nuôi thủy sản cần sử dụng thức ăn tươi sống có bổ sung thêm các chế phẩm sinh học và các loại vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Ảnh: KS.

Theo đó, trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4-6/2022) người nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) cần theo dõi chặt chẽ thời tiết, yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH, độ mặn, DO, nhiệt độ, màu tảo… để có các biện pháp xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Cùng với đó, bám sát khung thời vụ thả giống năm 2022, tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản của các cơ quan chức năng tại địa phương. Chuẩn bị ao thật kỹ (bờ, cống ao, bạt lót,…) nhằm tránh thất thoát nước, đảm bảo vệ sinh, sát trùng ao, dụng cụ sử dụng. Cần dùng các dụng cụ (ca, xô, chậu, vợt…) riêng cho từng ao, tránh lây nhiễm chéo trong các ao nuôi.

Đặc biệt, người nuôi cần lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch các bệnh nguy hiểm như EHP (vi bảo tử trùng), WSSV (bệnh đốm trắng), AHPND (bệnh hoại tử gan tụy cấp tính).

Cũng như lưu ý thả giống ở mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi nhằm đảm bảo việc quản lý và chăm sóc tôm nuôi trong điều kiện tốt nhất. Định kỳ thu mẫu tôm và mẫu nước để kiểm tra Vibrio spp., EHP, WSSV, AHPND. Khi phát hiện tôm có biểu hiện bất thường hay nhiễm các loại bệnh trên, người nuôi cần báo với các cơ quan quản lý tại địa phương để được hướng dẫn xử lý theo quy định.


Người nuôi tôm nước lợ thu hoạch tôm. Ảnh: MH.

Đối với tôm hùm nuôi lồng thì trong giai đoạn cuối tháng 3/2022, người nuôi cần sử dụng thức ăn tươi sống có bổ sung thêm các chế phẩm sinh học và các loại vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng, giúp tôm nuôi chống chịu thay đổi của các yếu tố môi trường vào giai đoạn chuyển mùa.

Bên cạnh đó lưu ý người nuôi khi thời tiết nắng nóng và chuyển mùa phải thường xuyên theo dõi môi trường nước, đặc biệt màu nước xung quanh lồng bè nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời khi màu nước thay đổi bất thường như hạ lồng, san thưa tôm, cung cấp oxy kịp thời…, tránh ảnh hưởng đến tôm hùm nuôi.

Cũng như thường xuyên lặn, theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm hùm nuôi cùng với việc thu gom thức ăn thừa, vỏ lột của tôm để đưa vào đất liền và phối hợp với công ty môi trường đô thị địa phương để xử lý triệt để.

Khi thả tôm, cần theo dõi thời tiết, tránh thả tôm lúc biển động và có mưa. Chú ý chọn con giống tốt nhất là tại địa phương, hay con giống có tỷ lệ dị hình <0,5%; không bị nhiễm bệnh sữa (TT 14/2021/TT-BNNPTNT ngày 01/12/2021).

Ngoài ra, người nuôi cần tuân thủ quy hoạch về vùng nuôi, kế hoạch thả nuôi và các hướng dẫn sản xuất của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Kim Sơ-Minh Hậu

Nongnghiep.vn