Xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng mạnh tại các thị trường có FTA

Hai thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam là CPTPP và EVFTA đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng qua với kim ngạch tăng trưởng cao.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sau khi tăng 44% đạt 872 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62%, ước đạt 635 triệu USD. Lũy kế hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, kết quả này nằm ngoài mong đợi của ngành thủy sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của toàn ngành.

Xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 237 triệu USD, đưa kết quả 2 tháng đầu năm lên 550 triệu USD, tăng 46%

Để đạt được con số này, theo đánh giá của VASEP, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt quãng thời gian bình thường mới và cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA và CPTPP.

Theo đó, trong 2 tháng đầu năm nay, ngoài thị trường Mỹ tăng mạnh tới 84% với kim ngạch 346 triệu USD thì các thị trường có FTA thế hệ mới với Việt Nam đều tăng cao. Trong đó thị trường khối CPTPP gồm Canada tăng 55%, Australia tăng 64%… khối EVFTA như Đức tăng mạnh 140%…

Trước đó, trong năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Còn với khối CPTPP, cũng thu về gần 2,2 tỷ USD trong năm 2021. Những kết quả trên cho thấy, việc tận dụng tốt các FTA đã “chắp cánh” cho thủy sản của Việt Nam vượt bão ngoạn mục.

Dù đạt con số tăng trưởng ấn tượng song ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký của VASEP – lo lắng việc xuất khẩu những tháng tới của ngành thủy sản sẽ phải đối diện với những thách thức mới. Cụ thể là ảnh hưởng từ chiến tranh Nga – Ukraine và các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics đang ở mức rất cao.

Theo ông Hòe, chỉ tính riêng với chi phí logistics, gần đây chi phí xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến các chi phí vận chuyển, chi phí nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp. Chưa kể, từ ngày 1/4/2022, TP. Hồ Chí Minh chính thức áp dụng mức thu phí mới đối với các loại hình dịch vụ cầu cảng trên địa bàn- sẽ tạo thành áp lực vô cùng lớn với doanh nghiệp.

Thực tế, với chi phí vận tải, kể từ khi giá xăng dầu tăng, tới nay nhiều doanh nghiệp đã có thông báo điều chỉnh tăng giá tới đối tác. Cụ thể, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn mới đây phát đi thông báo tới doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tại cảng sẽ điều chỉnh từ 10-30% cước vận chuyển container tại cảng từ ngày 1/4 tới. Trong đó, tuyến vận chuyển từ cảng Đồng Nai đến cảng Cát Lái tăng 10%, tuyến vận chuyển từ các IDC đến Tân Cảng Cát Lái tăng cao nhất 30%.

Với việc tăng cước vận chuyển, lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ đang rất “mệt mỏi” vì lợi nhuận của doanh nghiệp đã bị bào mòn gần hết. Chính vì thế, theo ông Hòe, nếu TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4 sẽ tạo áp lực vô cùng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. “Với mức thu tổng cộng dự kiến hàng năm hơn 3.000 tỷ đồng thì không quá lớn với TP. Hồ Chí Minh nhưng với doanh nghiệp đó là số lớn bởi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp không lớn. Nếu thành phố thu phí thời điểm này sẽ tạo áp lực chi phí quá lớn cho các doanh nghiệp, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa”- ông Hòe nói.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết đang tìm cách đa dạng hóa thị trường, đồng thời tận dụng tối đa các thị trường có FTA là CPTPP và EVFTA. Chẳng hạn với Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, trong số các thị trường xuất khẩu chính có EU và 2 nước thuộc khối CPTPP là Nhật Bản và Australia. Trong năm nay, doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào khối những thị trường nói trên để gia tăng kim ngạch.

Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT của Sao Ta, với mục tiêu phát triển thị trường EU để tận dụng lợi thế EVFTA, Sao Ta sẽ tập trung phát triển các mặt hàng chế biến sâu. Ngoài ra công ty cũng đầu tư và vận hành khu nuôi tôm đạt chuẩn ASC để tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới nhằm chủ động nguyên liệu.

Hay với Công ty CP XNK Thủy sản Cà Mau (Camimex Group) cũng cho biết sẽ tận dụng các ưu đãi thuế quan của các thị trường có FTA. Hiện tại, doanh nghiệp này đã khởi động xây một nhà máy mới cũng như mở rộng quy mô vùng nguyên liệu nhằm chủ động đầu vào.

Mai Ca

Congthuong.vn