Kiểm soát dịch bệnh thủy sản dài hạn

Phê duyệt kế hoạch phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi đến năm 2030, ưu tiên xây dựng cơ sở/vùng sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh… tỉnh Vĩnh Long đang chú trọng phát triển dài hạn cho ngành thủy sản.

Vĩnh Long chú trọng phòng chống dịch bệnh để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững.

Nuôi trồng thủy sản nước ngọt là một trong những thế mạnh của Vĩnh Long. Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 2.095ha mặt nước đang nuôi thả thủy sản. Bên cạnh nuôi thủy sản trong các ao, hầm có diện tích nuôi cá tra 465ha, tỉnh còn có 1.717 chiếc lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, sông Cổ Chiên.

Sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 128.500 tấn và ước khoảng 130.200 tấn năm 2021. Theo các chuyên gia, Vĩnh Long có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên để đảm bảo nghề nuôi ổn định và phát triển bền vững cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phòng chống dịch bệnh.

Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản (nhất là nuôi cá tra) ở Vĩnh Long không những gặp nhiều khó khăn về đầu ra do thị trường xuất khẩu mà môi trường nuôi, nhất là tại các vùng nuôi tập trung (vùng nuôi cá tra xuất khẩu và vùng nuôi lồng, bè) đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bộc phát.

Có thời điểm, tại các vùng nuôi tập trung ghi nhận tồn dư của các chất hữu cơ từ thức ăn. Một số ao nuôi, lồng bè chưa quan tâm xử lý, thu gom chất thải, bùn đáy ao mà trực tiếp thải ra môi trường. Điều này đã tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và là yếu tố thuận lợi cho các mầm bệnh gây hại phát sinh và lây lan.

Từ những lý do đó, ngày 17/10/2021, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030.

Kế hoạch triển khai đến tận các cơ sở nuôi thủy sản thực hiện và yêu cầu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống cụ thể tại địa bàn quản lý.

Triển khai kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt mục tiêu khống chế các bệnh ở cá tra nuôi, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi và chủ động giám sát phát hiện, khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác.

Sở Nông nghiệp- PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cùng các đơn vị thuộc Sở căn cứ nội dung của Quyết định 2821/QĐ-UBND và kế hoạch của các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu thực hiện đạt hiệu quả cao.

Theo đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản đến các tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực này nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi trong phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng tham gia công tác này, đặc biệt là ở cấp cơ sở để hoạt động quản lý dịch bệnh thủy sản được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên cá tra nuôi (như bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết) và một số bệnh theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó xây dựng ít nhất 1 cơ sở, vùng sản xuất thủy sản, đặc biệt là cá tra an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm; tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản nuôi lồng bè; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi chủ động xây dựng và áp dụng các quy trình nuôi theo hướng VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP và các tiêu chuẩn theo quy định của nước nhập khẩu.

Song song công tác tuyên truyền, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản theo hình thức đồng bộ để hỗ trợ cho các cơ sở, hộ dân đầu tư nuôi thủy sản đạt hiệu quả.

Kế hoạch đến năm 2025, Vĩnh Long phấn đấu có 2.360ha nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi cá tra 485ha, lồng bè 1.800 chiếc, ước sản lượng 137.000 tấn. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản tăng bình quân 3- 3,5%/năm.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long