Thủy sản Việt Nam: Những tín hiệu tích cực đầu năm

Liên tục duy trì được mức tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, mực và bạch tuộc Việt Nam tiếp tục đà tăng 3 con số đến từ những thị trường mới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ ngày 21/02/2022 của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2022 (từ ngày 01/01 đến ngày 15/01/2022) đạt 27,55 tỷ USD, giảm 20,7% (7,21 tỷ USD) so với kết quả trong nửa cuối tháng 12/2021.

Điểm sáng đến từ mực và bạch tuộc

Điểm sáng đến từ ngành hàng xuất khẩu thủy hải sản khi kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu (mực và bạch tuộc) trong tháng đầu tiên của năm 2022 đạt 63,3 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê theo cơ cấu ngành hàng, mực chiếm 56,4% và bạch tuộc chiếm 43,6%. Bạch tuộc xuất khẩu phần lớn là các sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến như khô; muối; sống; tươi và đông lạnh mang lại giá trị thặng dư cao. Tuy nhiên, tăng trưởng mặt hàng này lại xếp hạng thấp nhất trong chuỗi xuất khẩu thủy hải sản nói chung, chỉ đạt 22%. Trong khi đó, các sản phẩm mực đã chế biến có giá trị xuất khẩu thấp nhất nhưng lại ghi nhận con số tăng trưởng đáng kinh ngạc, 160% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu liên tục tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây

Hàn Quốc là thị trường đem lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho mặt hàng mực và bạch tuộc của Việt Nam. Tháng 01/2022, xuất khẩu 2 mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt trên 28 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản đứng thứ hai với 14,2 triệu USD giá trị nhập khẩu, tăng 55%. Cùng với các thị trường khác như Hồng Kông, Trung Quốc, EU, Thái Lan, Mỹ, Israel, Đài Loan, khu vực các nước này chiếm lĩnh tới 98% tổng giá trị xuất khẩu mực và bạch tuộc.

Tháng 01/2022 cũng ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số đến từ Tây Ban Nha và Pháp khi xuất khẩu mực, bạch tuộc vào 2 thị trường này lần lượt đạt 562% và 346% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông và EU tăng trưởng khiêm tốn hơn khi chỉ đạt 176% và 90%.

Thị trường truyền thống được duy trì, thị trường mới gợi mở

Vài năm trở lại đây, hai mặt hàng này đóng góp khá lớn cho tổng giá trị xuất khẩu của thủy sản Việt Nam khi liên tục ghi nhận mức độ tăng trưởng đạt đến 3 con số.

Tính riêng năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mực và bạch tuộc cán đích với 608 triệu USD, tăng 6,8%. Mực chiếm 52% đạt 315 triệu USD, tăng 3%; bạch tuộc chiếm 48% đạt 293 triệu USD, tăng gần 15%. Bạch tuộc tươi, đông lạnh chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng. Đối với mực, sản phẩm tươi, đông lạnh, khô chiếm đến 93% tổng giá trị.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP. PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) cho biết: “Các thị trường truyền thống của mực và bạch tuộc Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Italy. Xuất khẩu sang các thị trường này năm 2021 đều tăng trưởng ổn định, từ 6 cho đến 8,5% so với cùng kỳ năm 2020”.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chiếm tỷ trọng chi phối sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Hàn Quốc chiếm 68%, Nhật Bản chiếm 18%. Tiếp đến là Mỹ, Italy và Nga. Xuất khẩu bạch tuộc sang tất cả những thị trường này đều tăng trong năm qua, riêng Mỹ tăng mạnh nhất, 135%.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP. PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP). Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Đối với sản phẩm mực xuất khẩu, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Italy là 5 thị trường lớn nhất, chiếm tổng cộng 76% XK. Trong khi XK mực sang Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm thì XK sang 3 thị trường còn lại và nhiều thị trường khác đều ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2021.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chiếm tỷ trọng chi phối sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Hàn Quốc chiếm 68%, Nhật Bản chiếm 18%. Tiếp đến là Mỹ, Italy và Nga. Xuất khẩu bạch tuộc sang tất cả những thị trường này đều tăng trong năm qua, riêng Mỹ tăng mạnh nhất, 135%.

Lê Tuấn

Nguồn tin: Nguoiduatin.vn