Nông dân Nghệ An bám tôm vụ đông, đón thị trường tăng giá

Vụ đông thời tiết lạnh, thậm chí rét đậm kéo dài, nên tôm nuôi chậm lớn. Song, đây là cơ hội đối với người nuôi tôm có lãi, bởi nhu cầu thị trường tăng, giá bán cao.


Người dân huyện Quỳnh Lưu tích cực chăm sóc tôm vụ đông. Ảnh: Xuân Hoàng

Thời điểm này, trên các khu nuôi tôm thương phẩm của Quỳnh Lưu, Diễn Châu… nhiều chủ đầm tôm tích cực chăm sóc tôm vụ đông, chờ ngày thu hoạch.

Ông Hồ Chí Thảo ở xóm 2, xã Quỳnh Lương đang nuôi thả 3 aotôm vụ đông, cho biết vừa trải qua 2 vụ nuôi lãi không đáng kể, do giá tôm rớt xuống 110.000 đồng/kg, cùng đó giá thức ăn tăng cao. Song, kinh nghiệm cho thấy vào thời điểm cuối năm và đầu năm giá tôm thường tăng cao, nên gia đình ông vẫn mạnh dạn đầu tư thả con giống. Đến nay, tôm đã được 4 tháng tuổi, trọng lượng đạt khoảng 80 con/kg, hiện tại giá tôm đã tăng lên 140.000 đồng/kg, nhưng gia đình chưa bán, mà chờ xuất bán vào dịp lễ Noel và tết Dương lịch.

“Để tôm an toàn không bị dịch bệnh, gia đình thường xuyên có người trông coi 24/24h để theo dõi tình trạng của tôm, đồng thời cho tôm ăn đủ chất dinh dưỡng để trọng lượng lớn hơn”, ông Thảo chia sẻ.

Với ông Hồ Mậu Thành, chủ đầm tôm ở xã Quỳnh Lương thì hiện nay tôm mới thả được hơn 1 tháng, phải sau tết Nguyên đán mới xuất bán được. “Vụ đông thời tiết lạnh, tôm chậm lớn, nên thời gian nuôi kéo dài 4 – 5 tháng mới đạt trọng lượng dưới 100 con/kg để thu hoạch. Mặc dù vậy, giá tôm vào thời điểm này thường tăng cao, nên có lãi. Như các năm trước, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, giá tôm thường nhảy lên 180.000 – 200.000 đồng/kg vẫn không có bán”, ông Thành cho hay.


Tôm vụ đông dù kéo dài thời gian nuôi, nhưng bán được giá nên người nuôi có lãi. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết, địa phương có gần 50 ha ao đầm nuôi tôm, nhưng vụ đông này chỉ có khoảng 2 ha nuôi thả. Nguyên nhân vụ đông này nuôi ít là do tôm thương phẩm vụ chính rớt giá mạnh, phần lớn hộ nuôi tôm thua lỗ, nên không dám nuôi nữa. Tuy nhiên, với diện tích nuôi tôm vụ đông ít, thì dự đoán vào dịp cuối năm giá tôm sẽ tăng cao.

Huyện Quỳnh Lưu có gần 600 ha ao đầm nuôi tôm. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện, vụ đông này toàn huyện có khoảng 50 ha nuôi thả tôm. Trong số đó, một số diện tích sẽ thu hoạch trong dịp tết Noel, một số thu hoạch dịp tết Nguyên đán và sau tết. Ông Bùi Xuân Trúc – Phó phòng Nông nghiệp huyện cho rằng, nuôi tôm vụ 3, thường như các năm trước giá tôm thương phẩm cao, nên mặc dù mật độ nuôi thấp, cùng với chậm lớn, nhưng người nuôi vẫn có lãi.


Huyện Diễn Châu có diện tích nuôi tôm vụ đông nhiều, bà con thả con giống rải vụ nên thường xuyên có thu hoạch. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Diễn Châu có 324 ha ao nuôi tôm thương phẩm, trong đó tôm vụ đông cũng được khá nhiều gia đình nuôi thả. Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vụ đông này, ngoài 10 ha ao đầm trong nhà lưới, còn có khoảng 90 ha ao đầm ngoài trời được nuôi thả tôm thương phẩm. Do người dân có kinh nghiệm với nghề nuôi tôm, bà con không thả một lần, mà rải vụ, nên thường xuyên có tôm bán với giá cao hơn nhiều so với tôm vụ chính.

Nghệ An hiện có 2.234 ha nuôi tôm mặn lợ, tập trung nhiều ở huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… và thị xã Hoàng Mai. Trước đây, người dân chỉ nuôi tôm vụ chính vào thời điểm xuân – hè. Tuy nhiên, sau này do có sự đầu tư về ao đầm và áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nên nhiều người nuôi quanh năm với 3 vụ.

Tác giả: Xuân Hoàng

Nguồn tin: Baonghean.vn

Chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn về kinh tế. Bởi lẽ, đây là vụ nuôi khó, tính rủi ro cao do thời tiết, dịch bệnh, ít người nuôi nên giá bán cao hơn nhiều so với tôm chính vụ.

Trong quá trình nuôi, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn; mỗi ngày cho ăn 2 – 3 lần. Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường hàng ngày vào buổi sáng và chiều, nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay.