Các nguồn nước thải và chất thải trong hoạt động sản xuất nuôi tôm là các tác nhân chính góp phần làm ô nhiễm môi trường. Một số nguồn thải chính như:
i) nước thải từ nguồn thức ăn dư thừa, phân và các chất bài tiết của tôm;
ii) bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh tích tụ và tồn lưu cho môi trường;
iii) phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu: điện, dầu từ các thiết bị vận hành như máy bơm, máy sục khí,… tại ao nuôi. Các nguồn phát thải này góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính (CO2, SO2, PO4) làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, chủ trương là phát triển bền vững nghề tôm nước lợ để góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, các yếu tố canh tác trong sản xuất nuôi tôm thâm canh và nhận thức về tác động nguồn phát thải cần được quan tâm để sản xuất nghề tôm bền vững hơn.
Mục tiêu chính của nghiên cứu này là nhằm đo lường các chỉ số giảm phát thải khí nhà kính (GHGs) trong nuôi tôm thâm canh thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn với các giải pháp cải tiến về kỹ thuật và quản lý trong quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) tại Đồng bằng sông Cửu Long.
TCT được thả trong ao đất với mật độ là 80-90 con/m2 ở hai nhóm nghiệm thức thí nghiệm. Thời gian nuôi trung bình kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng. Phương pháp đánh giá vòng đời (LCA) và phần mềm chuyên dụng CMLCA được hỗ trợ để phân tích và đánh giá tác động môi trường từ hoạt động sản xuất. Các loại tác động môi trường bao gồm nóng lên toàn cầu (GW), chua hóa (Acd) và phú dưỡng hóa (Eut) được phân tích và tính toán.
+ Nghiệm thức thí nghiệm (TN): ứng dụng các thiết bị vận hành hệ thống ao nuôi giảm tiêu thụ năng lượng và đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm bằng cách:
i) thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống quạt nước hợp lý
ii) ứng dụng hộp giảm tốc và con lăn để giảm tiêu thụ điện năng.
Ao lắng (chứa) thả cá rô phi với mật độ 1-2 con/m2 để gây nuôi tảo Chlorella nhằm cung cấp nguồn tảo có lợi và nguồn thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu của quá trình nuôi thương phẩm. Nước thải trong ao nuôi tôm sẽ được chuyển sang ao xử lý nước thải có thả cá rô phi với mật độ 1-2 con/m2 để xử lý ô nhiễm hữu cơ trước khi thải ra môi trường bên ngoài hoặc tái sử dụng cho các đợt nuôi tiếp theo.
+ Ở nghiệm thức đối chứng (ĐC): áp dụng quy trình truyền thống không chú trọng và quan tâm đến việc giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống trung bình của tôm đạt khoảng 88,33 đến 91,67%. Kích cỡ tôm thu hoạch đạt trọng lượng trung bình là 7,14g (ao ĐC)- 17,59g (ao TN). Hệ số FCR trung bình từ 1,06 (ao TN) đến 1,46 (ao ĐC). Lượng nhiên liệu dầu và điện tiêu thụ trong suốt chu kỳ nuôi lần lượt là 159,33 lít/ao TN/vụ, 5.675,67 kWh/ao TN/vụ và 192,67 lít/ao ĐC/vụ, 5.908,33 kWh/ ao ĐC/vụ. Năng suất thu hoạch ao ĐC và ao TN đạt lần lượt là 11.849,75 và 13.944,44 tấn/ha/vụ.
(a) So sánh tác động nóng lên toàn cầu (GW) khi sản xuất 1 tấn tôm; (b) So sánh tác động chua hóa (Acd) khi sản xuất 1 tấn tôm; (c) So sánh tác động phú dưỡng hóa (Eut)