Đột phá nuôi tôm công nghệ cao

Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tỉnh phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao (CNC) và đến năm 2030 là 5.000ha. Sau gần 9 tháng triển khai thực hiện bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Ảnh: H. Lam

Mạnh dạn chuyển đổi

Nghề nuôi tôm ở Bến Tre xuất hiện khá lâu và phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Theo số liệu thống kê mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 50.000ha diện tích nuôi thủy sản với tổng sản lượng nuôi đạt hơn 295 ngàn tấn các loại. Trong đó, có 36.000ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 70 ngàn tấn. Đáng chú ý, năng suất tôm sú thâm canh từ 5,5 – 6 tấn/ha/vụ; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt từ 8 – 10 tấn/ha/vụ. Những năm gần đây, việc cải tiến kỹ thuật nuôi tôm biển thâm canh đã góp phần tăng sản lượng hàng hóa lớn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC mới được áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Hải (Bảo Thạnh, Ba Tri) cho hay, trước đây gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống với khoảng 6ha đất, thả nuôi được 5 ao tôm thẻ chân trắng nhưng hiệu quả mang lại không cao. Qua tham quan nhiều mô hình nuôi tôm CNC, ông mạnh dạn chuyển đổi, không ngờ năng suất tôm đạt gấp 5 lần, lợi nhuận tăng gấp 4 lần so với trước đây. Hay như mô hình nuôi tôm CNC của ông Đặng Văn Bảy (Bảy An) ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú. Được sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ từ Công ty cổ phần CP Việt Nam, mô hình đạt hiệu quả rất cao về kích cỡ tôm nuôi (khoảng 15 con/kg). Theo ông Bảy, nuôi tôm CNC làm tăng lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ao nuôi.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.900ha tôm biển ứng dụng CNC. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể, năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha. Mỗi năm thả nuôi được 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 36 tấn/ha, cao gấp hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700 – 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi.

Định hướng phát triển

Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy ra đời làm đòn bẩy tạo ra sự đột phá mới trong phát triển nuôi tôm CNC. Để cụ thể hóa Nghị quyết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đến năm 2025 với tổng kinh phí dự kiến đầu tư hơn 10.705 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, số còn lại là vốn dân, vốn doanh nghiệp 9.500 tỷ đồng. Nếu đúng theo kế hoạch thì đến năm 2025, tỉnh sẽ có 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC. Trong đó, huyện Thạnh Phú 1.500ha, Ba Tri 500ha, Bình Đại 2.000ha. Đến năm 2025, sản lượng nuôi tôm biển ứng dụng CNC đạt 144 ngàn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%. Giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%.

Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho hay, giai đoạn 2020 – 2025, huyện có kế hoạch phát triển khoảng 2.000ha nuôi tôm biển CNC, chiếm 50% diện tích của tỉnh. Đây là con số rất lớn cần có sự đồng bộ về giống, kỹ thuật, hạ tầng và các giải pháp quản lý môi trường vùng nuôi. Huyện kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh có giải pháp thống nhất để tránh xung đột sản xuất với các ngành khác khi phát triển mạnh mô hình nuôi tôm biển CNC.

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, toàn huyện hiện có 1.730ha nuôi tôm thâm canh, rải đều 10 xã, trong đó, có 200ha nuôi CNC 2 giai đoạn, với 19 hộ tham gia. Do điều kiện hộ dân nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn, điện, hạ tầng gặp khó khăn nên huyện chỉ đăng ký phát triển 500ha trong tổng số 4.000ha toàn tỉnh đến năm 2025. Thạnh Phú hiện có 750ha nuôi tôm công nghệ, rải rác ở 7 xã ven biển. Huyện đăng ký đến năm 2025 phát triển nuôi tôm biển thâm canh 3.000ha, trong đó tôm nuôi CNC từ 1.500 – 1.800ha.

“Để đạt mục tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm CNC, tỉnh triển khai các nhóm giải pháp như: tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng giống tôm biển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý môi trường, phát triển hoạt động chế biến tôm. Đến năm 2025, sản phẩm tôm biển ứng dụng CNC được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và tỷ lệ liên kết đạt trên 60%. Tỉnh phấn đấu thành lập được ít nhất 3 hợp tác xã nuôi tôm có doanh thu 100 tỷ đồng. Sản phẩm tôm biển CNC sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ASC, chiếm tỷ lệ trên 70%.

Tỉnh cũng rà soát, bổ sung những vùng nuôi tôm biển phù hợp vào quy hoạch vùng của tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đến năm 2025, tỉnh hình thành được 3 vùng sản xuất tập trung, gồm: 300ha ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; 100ha tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại và 100ha tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú”. (Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi