Thực tế cho thấy, hiện tại ở đa số các trại giống, tôm hậu ấu trùng từ 4 – 5 ngày tuổi (PL4-5) đều được sống trong môi trường có độ mặn giảm dần, thông thường là từ 20ppt giảm xuống còn 4 -5ppt hay thậm chí bằng 0. Sau đó lại chuyển sang các độ mặn khác nhau để đến với các trại nuôi thương phẩm. Như vậy, việc thay đổi độ mặn như thế có tác dụng gì với tôm?
Một loạt các tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm và các tác nhân khác, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi trong các trại thương phẩm và cả các trại tôm giống. Trong đó, Vibrio là nhóm các vi khuẩn cơ hội xuất hiện nhiều nhất, và gây nhiều triệu chứng rõ ràng cho tôm. Các chuyên gia chứng minh rằng tôm PL sau khi sống trong nước bị giảm dần độ mặn sẽ kéo theo số lượng vibrio trên tôm giảm. Tuy nhiên, mặc dù giảm được số lượng vibrio nhờ phương pháp này nhưng có làm tôm khỏe mạnh hơn hay không thì vẫn chưa có cơ sở chắc chắn.
Nhiều báo cáo ở những năm gần đây cho thấy, tôm chỉ mới ở giai đoạn PL8-10 là đã xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh phân trắng và thậm chí là chết hết trong vòng 30 ngày. Qua đó mối quan tâm đặc biệt hiện tại chính là liệu phương pháp hạ độ mặn để giảm mật độ vibrio, có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, làm cho tôm giống kém thích nghi hơn với các môi trường khác nhau, hay dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh tiềm ẩn hơn không?
Một hệ thống vi sinh vật cân bằng sẽ rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật cho tôm. Bdellovibrio (BALOs) là một nhóm vi khuẩn rất nhỏ, tồn tại tự nhiên trong các hệ sinh thái trên cạn hoặc dưới nước cũng như trong ruột của các sinh vật khác nhau bao gồm cả tôm và người. Chúng rất đa dạng nhưng có một đặc điểm chung là có thể sống ký sinh và tiêu diệt luôn cả các vi khuẩn khác. Một số công trình nghiên cứu trước đây cho thấy Bdellovibrio BALOs có thể được sử dụng để kiểm soát vibrio, thay đổi và phục hồi cấu trúc của cộng đồng vi sinh vật. Vì vậy chắc chắn có khả năng thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của tôm nuôi.
Để giải đáp những thắc mắc trên thì các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm dùng tôm thẻ giai đoạn PL7-8 (chiều dài cơ thể 0.7-0.8cm) được lấy mẫu từ một trại sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc. Trước đó những con tôm này đã được hạ dần độ mặn rồi nâng lên độ mặn 15ppt để phù hợp với hợp với thử nghiệm của các chuyên gia. Người ta so sánh các nghiệm thức bổ sung Bdellovibrio BALOs và 2 loại vi khuẩn có lợi khác để đánh giá hiệu quả sau khi xử lý độ mặn thì có ảnh hưởng đến đường ruột và hệ vi sinh vật của tôm hay không.
Sự thay đổi độ mặn này có thể làm xáo trộn thành phần vi sinh vật trong đường ruột tôm ở bất kì giai đoạn nào của chu kỳ sống.
Kết quả sau 7 ngày kéo dài thí nghiệm, môi trường nước trong các bể vẫn còn khá ổn định. Nhiệt độ, oxy hòa tan và độ pH vẫn ở mức có thể kiểm soát được, không thấy có khả năng gây ảnh hưởng đến tôm thí nghiệm. Tỷ lệ sống ghi nhận được ở nghiệm thức bổ sung nhóm Bdellovibrio BALOs là 90%, cao hơn tỷ lệ sống của 2 nghiệm thức còn lại lần lượt là 83,3 và 81,7%. Ngoài ra tôm PL ở nghiệm thức có bổ sung Bdellovibrio BALOs cũng cho tỷ lệ tăng trọng tích lũy theo phần trăm cao nhất trong cả 3 nhóm.
Bên cạnh đó, cả về thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột tôm PL đã có thay đổi đáng kể sau khi được xử lý hạ độ mặn. Các vi khuẩn cơ hội thường gặp là Gammaproteobacteria, nhưng số lượng đã giảm nhiều sau 7 ngày với nghiệm thức cho ăn Bdellovibrio BALOs. Chỉ số đa dạng sinh học trước và sau 7 ngày thử nghiệm vẫn không thay đổi đáng kể ở bể tôm có bổ sung nhóm vi khuẩn này.
Như vậy, việc giảm độ mặn được áp dụng hiện tại ở các trại giống không thể loại bỏ toàn bộ Vibrio trên tôm PL. Và sự thay đổi độ mặn này có thể làm xáo trộn thành phần vi sinh vật trong đường ruột tôm ở bất kì giai đoạn nào của chu kỳ sống. Chỉ số đa dạng sinh học có giá trị lớn hơn 2.0 thì chứng tỏ hệ vi sinh vật trong cơ thể tôm PL đang ở một trạng thái khỏe mạnh. Bằng chứng là tỷ lệ tăng cân tích lũy tốt hơn và tỷ lệ sống cao hơn ở nghiệm thức cho ăn bổ sung nhóm vi khuẩn Bdellovibrio.
Thêm nữa nếu bổ sung Bdellovibrio từ ban đầu vào nước bể thí nghiệm còn có tác động rất tích cực đến chức năng và cả về thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột tôm, tăng cường tính đa dạng sinh học và cả chức năng của chúng.
Về mặt quản lý sức khỏe và dịch bệnh, các chiến lược xử lý tập trung vào một mầm bệnh cụ thể dường như không phù hợp và có thể nói là lỗi thời về quan điểm quản lý sinh thái. Vì vậy, chiến lược hiện tại là phải quản lý toàn bộ vi sinh vật gây hại thay vì chỉ nhắm vào Vibrios. Dựa trên các nghiên cứu trước đây và cả thử nghiệm này thì Bdellovibrio là một nhóm vi sinh vật rất thích hợp được xem xét cho chiến lược tiếp cận trên.
Impact on gut microbiota health in L. vannamei postlarvae after salinity reduction treatment by Qingqing Cao Farhana Najnine Hongcao Han Bing Wu Junpeng Cai, Ph.D.
Nguồn tin: TSTB