Việt Nam được gọi tên “người chiến thắng” trong mắt bạn bè quốc tế

Trong hội thảo trực tuyến mới nhất của Undercurrent News, các diễn giả đều cho rằng ngành tôm Việt Nam sẽ phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19 với tư cách “người chiến thắng”

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do AVFTA, hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 đã góp phần nâng cao giá trị của hàng hóa chế biến, nhất là trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về hàng hóa chế biến tăng cao, xu hướng bán lẻ cũng vì thế mà tăng lên. Có 31 công ty tôm Việt Nam được miễn thuế quan vào thị trường Hoa kỳ trong giai đoạn rà soát thuế chống bán phá giá hiện hành.

Theo ông Jim Gulkin, Giám đốc điều hành và người sáng lập tập đoàn Siam Canadian, Việt Nam đã tránh được những tác động mạnh từ Covid-19 cũng như đảm bảo được các khâu hậu cần, không bị ảnh hưởng nhiều và dự đoán nguồn tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm. Nhu cầu thị trường tôm bán lẻ tăng lên đang là lợi thế lớn cho ngành tôm Việt Nam. Mặc dù Thái Lan cũng có năng lực giá trị sản xuất cao tương tự nhưng lại bị hạn chế bởi sản lượng, nguồn tôm nguyên liệu không tăng nên khó tạo điều kiện cho tăng trưởng doanh số tại thị trường bán lẻ Bắc Mỹ.

Ông Willem van der Pijl, người sáng lập Insights Shrimp cho biết, có nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi trong nhu cầu tìm nguồn cung ứng ở các thị trường châu Âu. “Chúng tôi thấy một số lượng lớn những đơn vị thu mua đang đổi hướng tìm nguồn cung ứng trực tiếp, đa dạng hơn từ các địa phương, vùng miền của các quốc gia khá nhau. Bạn sẽ nhận rõ được sự chuyển đổi từ các thị trường như Ấn Độ, Indonesia chuyển hướng nhiều hơn sang Việt Nam nhờ FTA”.

Việt Nam đang củng cố được vị thế của mình tại thị trường bán lẻ Châu Âu, không chỉ vì sản phẩm mà còn vì chứng nhận ASC. Cho đến nay, Việt Nam đang là quốc gia có số lượng sản phẩm được chứng nhận ASC nhiều nhất, đặc biệt là với tôm chế biến. Ấn Độ cũng là một nhà cung cấp lớn nhưng sản phẩm chế biến không đa dạng được như Việt Nam.

Ông Robins McIntosh, phó Chủ tịch cấp cao tập đoàn CPF cũng đồng ý với nhận định này, “Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến này với vị thế của một người chiến thắng với những tiến bộ vượt bậc trong vấn đề đối phó với đại dịch”.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang tận dụng lợi thế, tăng thị phần bán lẻ tại các thị trường Mỹ.

Doanh số bán hàng của Việt Nam sang Hoa Kỳ ít nhiều vẫn giữ vững ổn định, trong tháng 6 và tháng 7 xuất khẩu lần lượt tăng 29% và 47%. Trong khi đó, tại thị trường EU, tổng lượng nhập khẩu tôm giảm mạnh, lĩnh vực dịch vụ và thực phẩm ít nhiều ngừng hoạt động. Ngay sau khi AVFTA có hiệu lực, doanh số bán hàng của Việt Nam vào EU tăng đột biến vào tháng 8. Trong tháng 8/2020, xuất khẩu tôm sang EU tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2019. Tôm sú đông lạnh hiện đang được hưởng mức thuế ưu đãi chung 0% thì tôm thẻ chân trắng được dự báo sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.

H.P

Theo Undercurrent News