Tăng cường kiểm soát chất lượng tôm giống

Chất lượng con tôm giống là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với thành công hay thất bại của nuôi trồng thủy sản. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) có nhiều mô hình ương tôm giống mới, kiểm soát được lượng tôm giống sau khi thả ra vuông nuôi, cho hiệu quả cao.

Theo anh Phạm Hoàng Khang (ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng), người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm, thời gian qua việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, một phần nguyên nhân là do mua tôm chưa qua kiểm dịch để thả vào vuông nuôi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cho nên hiệu quả vụ nuôi không cao.

Thực tế cho thấy, chất lượng con giống quyết định một nửa thành công cho vụ nuôi tôm. Tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Đầm Dơi, chất lượng tôm giống vẫn luôn là câu chuyện “nóng” khi hàng loạt vùng nuôi tôm tiếp tục gặp rủi ro dịch bệnh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, trên địa bàn huyện đã có hơn 44ha diện tích tôm thâm canh bị nhiễm bệnh, Nhà nước hỗ trợ hơn 10.200kg chlorine để xử lý.

 

Toàn huyện có hơn 62.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp hơn 2.300ha (có 953ha nuôi tôm siêu thâm canh) với 1.171 hộ, năng suất tôm nuôi đạt trên 20 tấn/ha/vụ; hơn 40.500ha nuôi tôm quảng canh cải tiến. Mỗi năm, người nuôi tôm trong huyện cần hơn 4 tỷ con tôm giống. Hiện toàn huyện có 147 cơ sở sản xuất tôm giống, ương vèo tôm giống, trong đó có 108 cơ sở đang hoạt động. Các cơ sở này mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 1,3 tỷ con giống, tức là khoảng hơn 30% nhu cầu nuôi của người dân; 70% còn lại là con giống ngoài huyện, ngoài tỉnh. Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Chí Thuần cho biết: “Tôm giống hiện nay sản xuất tại địa phương không đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu tôm nhập ngoài tỉnh nhiều, do vậy chất lượng cũng khó kiểm soát. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh tăng cường hơn nữa việc kiểm tra kiểm soát chất lượng tôm giống, nhất là với tôm giống nhập vào địa phương”.

Thị trường tôm giống sôi động, kéo theo nhiều góc khuất khó quản lý như có những doanh nghiệp nhỏ lẻ thu gom tôm giống tràn lan từ các cơ sở sản xuất khác nhau rồi đóng gói bao bì nhãn mác. Tôm giống lọt lưới kiểm dịch, tuồn vào chợ tôm giống là thực tế tồn tại suốt nhiều năm qua, khiến người nuôi tôm lo lắng về chất lượng tôm giống thật, giả lẫn lộn. Không ít hộ mua tôm giống kém chất lượng nên quá trình nuôi không hiệu quả, nhất là đối với loại hình nuôi tôm công nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người nuôi tôm.

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo tổng kết lớp học tại hiện trường kỹ thuật ương tôm sú giống phục vụ nuôi tôm 2 giai đoạn, tại ấp Tân Điền B. Qua đây nhằm cung cấp nguồn con giống tại chỗ chất lượng, góp phần nâng cao năng suất tôm nuôi của người dân. Mô hình thực hiện tại hộ ông Thạch Chia, ao ương tôm sú giống có diện tích 20m2, độ sâu 0,7m. Ông Chia thả 50.000 con tôm sú giống, mật độ ương 2.500 con/m2, Nhà nước hỗ trợ 25.000 con. Sau hơn 12 ngày thả nuôi, tôm đang phát triển khá tốt, dự kiến khi tôm ương đến 24 ngày tuổi sẽ chuyển ra vuông nuôi. Tại buổi hội thảo, nhiều nông dân đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả mô hình.

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, vì vậy việc kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, bán tôm giống được quan tâm.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng con giống phục vụ nhu cầu nuôi tôm của người dân, huyện sẽ tăng cường phối hợp để kiểm tra và đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không đủ điều kiện hoặc mua bán tôm giống bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối với các cơ sở sản xuất, tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ tôm giống để kiểm soát chất lượng tôm giống ngày càng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu nuôi tôm của người dân trên địa bàn huyện.

Theo báo ảnh Đất Mũi