Chuyện anh Tráng làm giàu bằng con tôm

Với bản tính cần cù, dám nghĩ dám làm, từ một người nông dân quanh năm gắn bó với mấy mảnh ruộng cằn cỗi, anh Hoàng Dũng Tráng (SN 1970), xã Phù Hóa (Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã quyết tâm cải tạo vùng đất hoang hóa thành những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có giá trị kinh tế cao.

Anh Tráng sinh ra và lớn lên ở xã Phù Hóa, vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch. Người dân nơi đây bao đời vẫn chỉ gắn với sản xuất lúa 2 vụ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Năm 1992, trở về quê sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, anh lập gia đình và sống nhờ mấy mảnh ruộng. Cuộc sống quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng gia đình vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã, luôn rơi vào cảnh túng thiếu, phải lo ăn từng bữa. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ phải làm gì để thoát nghèo, anh đã quyết định đầu tư vào con tôm.

Anh chia sẻ:” Với lợi thế có con sông Gianh bao bọc, năm 2004, tôi đã chuyển đổi một số diện tích đất ruộng kém hiệu quả của gia đình sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thành công từ những lứa đầu, tôi và vợ mạnh dạn vay thêm 120 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư xây dựng các hồ nuôi”.

Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm cho gia đình anh Hoàng Dũng Tráng.

Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm nên anh nhiều lần thả tôm giống thất bại. Tưởng như phải dừng “giấc mơ” thoát nghèo, vậy nhưng không nản chí, sau một thời gian tự nghiên cứu, mày mò kỹ năng nuôi tôm trên mạng, anh đã tự đúc rút được kinh nghiệm để khắc phục những sai lầm của các vụ trước. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn và được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình khác. Sau khi tích lũy được kha khá kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm thẻ, anh đã cùng vợ bắt tay để nuôi tồng lại vụ tôm mới. Không phụ công người, vụ đầu tiên sau những lần thất bại trước, vợ chồng anh đã thành công và bắt đầu thu lãi từ con tôm.

Năm 2013 với những kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi tôm, anh mạnh dạn hợp đồng thuê lại diện tích đất bỏ hoang của người dân để mở rộng diện tích đất bỏ hoang của người dân để mở rộng diện tích nuôi. Nhằm kiểm soát được dịch bệnh cho con tôm và giảm ô nhiễm môi trường xung quanh, anh Tráng quyết định chuyển toàn bộ diện tích 2ha từ nuôi hồ đất sang nuôi lót bạt. Anh vui mừng nói: ” Mặc dù chi phí nuôi lót bạt cao hơn nhiều so với nuôi hồ đất, nhưng tôi vẫn làm để bảo đảm chất lượng cho con tôm và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến môi trường”. Chính vì vậy mà hiện nay, dù thời tiết thay đổi nhưng tôm ở các hồ nuôi của gia đình anh vẫn khỏe mạnh, không dịch bệnh và cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ các hồ trên 14 tấn tôm, sau khi trừ chi phí cho lãi trên 300 triệu đồng.

Không dừng ở mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, người nông dân cần cù, chịu khó này còn đầu tư mở rộng thêm mô hình chăn nuôi tổng hợp khác. Anh Hoàng Dũng Tráng cười, chia sẻ: ” Để bảo đảm kinh tế cho gia đình và nuôi con học đại học, vợ chồng tôi vừa duy trì mô hình nuôi tôm vừa đầu tư chuồng trại nuôi thêm 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt cùng 200 con gà thả vườn, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng. Đặc biệt, để giảm chi phí công lao động trong sản xuất nông nghiệp, vợ chồng tôi còn mua một máy gặt đập liên hoàn có giá trị 600 triệu vừa để phục vụ cho 5.000m diện tích đất rộng của gia đình, vừa mở thêm dịch vụ máy gặt cho bà con trong vùng.

Sau nhiều năm quyết chí làm giàu, đến nay, mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp và dịch vụ nông nghiệp đã giúp gia đình anh thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động trong vùng. Với vai trò là một Phó Bí thư chi bộ, anh Tráng còn vận động người dân đầu tư các mô hình để phát triển nhanh kinh tế và hỗ trợ cho 3 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế. Với những nỗ lực và kết quả đạt được, cuối năm 2019 vừa qua, anh Hoàng Dũng Tráng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phát triển kinh tế.

Đ.N

Nguồn tin: Báo Quảng bình