​Triển vọng từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi tròn lót bạt
Nhơn Trạch là một huyện có truyền thống nuôi tôm khá lâu đời. Từ hình thức nuôi tôm quảng canh  đến quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, biện pháp trải bạt, người nuôi tôm trên địa bàn này luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác nhằm tìm kiếm những phương thức sản xuất mới, tiến bộ giúp khắc phục rủi ro, biến động do môi trường mang lại.  Một trong số những phương thức đang được biết đến như một mô hình nuôi tôm hiệu quả là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi tròn lót bạt ((Litopenaeus vannamei).
Mô hình này được hộ anh Nguyễn Huy Bình (Ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2021. Khác với những ao nuôi đất hình vuông hay chữ nhật như thường lệ, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi được thực hiện trong những bể hình tròn, được làm nổi phía trên mặt đất. Đây là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao được nhiều tỉnh ở miền Tây áp dụng thành công và được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm ưu việt nhất hiện nay.
Mô hình nuôi tôm bể tròn nổi của anh Nguyễn Huy Bình
Anh Bình cho biết, từ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm, anh nhận ra rằng những mô hình nuôi thẻ chân trắng được áp dụng hiện nay như nuôi tôm trong ao đất, nuôi tôm trong ao đất trải bạt… đang bộc lộ một số hạn chế nhất định. Phần lớn người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc quản lý sự biến động môi trường nước trong ao. Ngoài ra, đối với mô hình nuôi tôm bằng ao đất trải bạt, dịch bệnh bên ngoài có thể thẩm thấu qua lớp bạt vào môi trường ao nuôi, khiến nước trong môi trường ao nuôi biến động, gây bất lợi cho con tôm. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi, những hạn chế nêu trên có thể được khắc phục nhờ bể nuôi được đặt nổi hoàn toàn trên mặt đất, phủ bạt nên hạn chế mầm bệnh từ đất. Mặt khác, diện tích bể nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước.
Theo anh Bình, để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong bể nổi thành công, người nuôi cần phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến bể nuôi. Phải chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể từ 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều mới thả ra bể nuôi. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ bể phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài cho mô hình này.
Triển vọng từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi tròn lót bạt_Hình 3.jpg
Tôm thu hoạch đạt 30 – 35 con/kg
Bước đầu, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng bể tròn nổi do anh thực hiện đã mang lại mức năng suất vượt trội so với các mô hình nuôi trước đây. Nếu như mô hình nuôi thâm canh ao trải bạt đạt năng suất từ 30 – 40 tấn /ha thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể tròn nổi có năng suất lên đến 60 – 70 tấn/ha. Kết quả này có được là nhờ kiểm soát toàn bộ quy trình nuôi, thông qua việc kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước; hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, đến bể nuôi và hệ thống xử lý chất thải đang dần hình thành.
Có thể thấy, mô hình nuôi tôm trong bể tròn có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải phù hợp với điều kiện và khả năng đồng vốn của nông hộ, nông dân dễ tiếp cận. Đây có thể sẽ là mô hình nuôi tôm mới, có khả năng được nhân rộng trong thời gian sắp tới.
Bảo Trâm 
TTDVNN tỉnh Đồng Nai