Xuất khẩu tăng, doanh nghiệp vẫn khó khăn

Đó là tình hình chung của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm trong tỉnh cũng như cả nước, nguyên nhân chính theo các doanh nghiệp là do cước vận tải quốc tế tăng kéo theo sự tăng giá của hầu hết vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến.

Theo kết quả thống kê, xuất khẩu tôm cả nước trong 3 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng khoảng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn than về chuyện thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Trao đổi với người viết về vấn đề này, một doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong tỉnh cho biết, nguyên liệu hiện thiếu hay không cần phải tính lại theo tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm. Theo báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm vẫn tăng khoảng 3%, chứng tỏ lượng tôm nguyên liệu cung ứng từ người nuôi là không giảm. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp than phiền chuyện khan hiếm tôm nguyên liệu chủ yếu là do họ mở rộng công suất nhà máy nên tăng trưởng của họ không đạt như kỳ vọng. Còn nói chung, tình hình tôm nguyên liệu vẫn bình thường như thông lệ hàng năm do đây chỉ mới là đầu vụ, diện tích nuôi chưa nhiều. Cho nên, nói khó khăn do thiếu nguyên liệu là chưa đúng mà cái khó lớn nhất của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay chủ yếu vẫn là cước phí vận tải quốc tế tăng cao, không chỉ “ăn hết” vào lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn tạo hiệu ứng tăng giá nhiều mặt hàng đầu vào của ngành chế biến, nhất là những mặt hàng phải nhập khẩu.

Nhiều diện tích nuôi tôm thả giống đầu năm đang phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn năng suất cao. Ảnh: TÍCH CHU

Phân tích thêm về khó khăn trong 3 tháng đầu năm 2021, theo doanh nghiệp trên, cước vận tải biển từ chỗ chỉ 1.700 USD/container tăng lên đến 7.500 USD/container, thậm chí có lúc đi châu Âu giá lên đến 10.000 USD. Nói cách khác, mỗi container doanh nghiệp mất thêm khoảng 6.000 USD trở lên, trong khi mức lãi chỉ khoảng 3.000 – 4.000 USD/container là cao. Đó là chưa kể các chi phí đầu vào khác cũng tăng mạnh từ 20 – 40% nữa.

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tác động đến ngành tôm, các doanh nghiệp cho rằng, hiện nhiều nước dù đã có vaccine nhưng vẫn rất hạn chế trong việc mở cửa nền kinh tế đất nước vì khi mở cửa kinh tế không bao lâu dịch lại bùng phát, như trường hợp của Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, hay một số nước Bắc Mỹ, EU… Ngay cả việc áp dụng hộ chiếu vaccine dù đã được nhắc đến nhiều nhưng hiện nhiều nước vẫn còn cân nhắc, chưa chấp nhận “hộ chiếu vaccine”. Tâm lý trên làm cho giá bán chưa thể cải thiện được, nên dù chi phí đầu vào hầu hết đều tăng mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn không thể đưa hết tất cả chi phí vào giá bán vì khi đó giá bán sẽ rất cao, khách hàng sẽ không mua mà chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế khác phù hợp với thu nhập thời đại dịch.

Hiện nay, Việt Nam đang có thuận lợi là tôm phát triển tốt và dự báo mưa sớm, cùng với hệ thống mô hình nuôi mới rất hiệu quả nên cơ bản vụ tôm năm nay sẽ tốt (quy trình nuôi tốt và thời tiết tốt). Còn các đối thủ tôm của Việt Nam, như: Ấn Độ đang bị dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng tôm còn khá cao, nên khả năng năm nay sản lượng tôm Ấn Độ sẽ không nhiều. Đối với Thái Lan, lao động ngành tôm khu vực phía Bắc quốc gia này chủ yếu từ Myanma sang nhưng do hiện Thái Lan đang có dịch buộc phải cấm cửa dẫn đến thiếu hụt lao động, nhà máy không tiêu thụ nhiều, người nuôi không an tâm, nên khả năng lượng tôm Thái Lan cũng sẽ không tăng. Còn Indonesia, theo đánh giá sản lượng tôm năm nay cũng chỉ khoảng 300.000 tấn trở lại và Ecuado do ở Nam bán cầu nên hiện họ đang thu hoạch tôm bán sang Mỹ khá nhiều, giá cũng khá rẻ.

Tóm lại, theo các doanh nghiệp, để tính toán giá bán tôm như thế nào còn phải đợi xem diễn biến cung cầu thế giới và đặc biệt là diễn biến của dịch Covid-19. Ví dụ như thị trường Nhật, dù tháng 7 tới đây là đến hội thao Olympic, nhưng hiện vẫn chưa cho phép nhập cảnh rộng rãi, nên khả năng khách du lịch mùa Olympic chưa chắc đã tăng, nên nhu cầu tôm vì thế chưa thể dự đoán được. Riêng các nhà nhập khẩu tôm, chỉ khi nào họ có kế hoạch bán hàng thì họ mới có kế hoạch mua hàng, chứ họ không mua ồ ạt để dự trữ, trừ khi nhận thấy khan hiếm nguồn hàng họ mới mua dự trữ để giảm rủi ro.

Trao đổi thêm với người viết về việc doanh nghiệp cần có giải pháp gì để vượt qua khó khăn trên, các doanh nghiệp đều cho biết vẫn đang chờ sự can thiệp của Bộ Công thương với các hãng tàu lớn chứ vấn đề này ngoài tầm với của họ. Các động thái thị trường trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy, mức tồn kho là bình thường, thị trường Mỹ vẫn nhập hàng ở mức trung bình, chứ chưa có đột biến. Do đó, các doanh nghiệp phải cân đối trước khi ký hợp đồng, nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, nhưng thấp quá thì không dám ký. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ngành tôm không có cơ hội, mà theo quy luật hàng năm, thị trường tôm luôn có xu hướng tốt dần về cuối năm. Giá tôm hiện vẫn ở mức cao hơn năm rồi, nhưng khi vào vụ khả năng sẽ giảm (cao điểm là tháng 6 đến tháng 8), đến tháng 9 hết vụ sẽ tăng trở lại.

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng,