Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Hướng đến mục tiêu đạt hơn 1,6 tỉ USD

Giá cá tra tăng cao khiến các nhà máy chế biến xuất khẩu ở An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ… chạy đôn chạy đáo tìm mua cá tra nguyên liệu.

Lội ngược dòng ngoạn mục

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, trong đó có ngành cá tra. Nếu như năm 2020, ngành hàng cá tra bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chính thì năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đã bị tác động mạnh, làm cho toàn ngành gặp nhiều khó khăn. Riêng các tháng 7, 8 và 9-2021, diện tích thả nuôi cá tra giảm 30-55% và sản lượng giảm tới 17,9% so với cùng kỳ năm 2020, do nhiều địa phương ở ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm ngưng hoặc dừng hoạt động, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.

Trước bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đã kịp thời triển khai nhiều phương án như, thành lập Tổ công tác đặc biệt 970, phối hợp với các Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Bộ Công thương và các địa phương để trực tiếp xử lý vướng mắc nảy sinh trong sản xuất; tổ chức một số hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản nói chung; tổ chức hội nghị riêng bàn về giải pháp phát triển ngành hàng cá tra… Nhờ đó, kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 4,81 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm 2020; trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,62 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá tra trong năm 2021.

Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL báo tin vui khi gần đây giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng cao. Hiện nay, giá cá tra đang ở mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021; giá này đảm bảo cho người nuôi lời nhiều. Có thể nói, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển “nóng trở lại” của ngành hàng.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đang phục hồi và dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2022; vì vậy khả năng giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng, bởi các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logictis… đều tăng. Trong khi đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, từ tháng 2 đến tháng 4-2022, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu cước phí tàu xe tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển trên thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn… do đó sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ có chỗ đứng tốt hơn trên thị trường thế giới.

Từ những yếu tố trên, theo Bộ NN&PTNT trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD… Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang lưu ý, để phát triển cá tra bền vững thì cần đầu tư nâng cao chất lượng con giống, bởi đây là một trong những khâu quan trọng. Các địa phương cũng quan tâm việc “phát triển nóng” diện tích nhằm tránh cung vượt cầu; từ đó cân đối sản lượng cá nuôi và nhu cầu xuất khẩu để giữ giá được tốt. Mặt khác, xem xét thành lập Quỹ phát triển thị trường xuất khẩu cá tra, cũng như ổn định giá. Nguồn quỹ này sẽ do doanh nghiệp xuất khẩu đóng góp là chính, nhằm cùng nhau xuất khẩu, cùng nhau quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu, mở rộng thị trường…

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tới đây ngành chức năng cần định hướng thành lập những vùng nuôi cá tra quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng cho các thị trường khó tính nhất trên thế giới. Thêm vấn đề quan trọng là các chi phí đầu vào của nghề nuôi cá tra hiện nay như thức ăn, thuốc thủy sản, con giống… đều tăng; rồi cước phí tàu tăng, thiếu container xuất khẩu… Đây là những cái khó mà ngành chức năng và doanh nghiệp cần giải quyết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, với sự phục hồi mạnh mẽ của cá tra trong thời gian gần đây cho thấy tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, thủy sản ở vùng ĐBSCL là rất lớn, nhưng vẫn chưa khai thác hết. Việc phát triển nông nghiệp, thủy sản ở ĐBSCL tới đây cần theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Đối với sản phẩm cá tra, dù hiện nay đang tăng mạnh về giá, song các địa phương cần rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không ào ạt mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu” dẫn tới giá rớt trở lại. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan và ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng đảm bảo nguồn giống, đầu tư nâng cao chất lượng con giống cá tra, đây là vấn đề quan trọng. Chủ động các giải pháp phòng bệnh cho cá, nâng chất lượng thức ăn, thuốc thủy sản… Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra; đồng thời giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp và người nuôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi để đảm bảo ổn định đầu ra. Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố khác…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Nguồn tin: Báo Hậu Giang,