Ứng dụng khoa học – công nghệ tạo đột phá cho ngành tôm

So với những địa phương khác, kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu chính là nuôi trồng thủy sản với con tôm là mặt hàng chủ lực. Con tôm đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động của địa phương.

Công ty TNHH Trân An Phú giới thiệu sản phẩm sinh học phục vụ cho mô hình nuôi tôm sạch. Ảnh: L.D

Nhiều thành tựu

Với diện tích trên 136.000ha canh tác nuôi trồng thủy sản (chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi trồng đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế và kim ngạch xuất khẩu cao.

Xuất phát từ thế mạnh này, Bạc Liêu được xếp là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Đến nay, Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích, sản lượng với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia và là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm.

Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, tỉnh đã rà soát lại quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất với nhiều mô hình nuôi tôm đa dạng. Trong đó, ấn tượng nhất là việc nhân rộng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Đến nay, đã đầu tư xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 1), đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2. Toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và 650 hộ dân đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 3.900ha (vượt gần 45% so với kế hoạch và tăng gấp 3 lần so với năm 2019).

Ngoài ra, với quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, mô hình này đã nâng năng suất tôm tăng từ 10 – 15 lần so với mô hình nuôi truyền thống, góp phần đưa sản lượng và chất lượng tôm của tỉnh không ngừng tăng và dần khẳng định được thương hiệu…

Từ các thành tựu trên có thể khẳng định rằng, việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài. Điều này không chỉ tạo động lực phát triển cho tỉnh, mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”.

Lấy Khoa học – Công nghệ làm khâu đột phá

Có thể nói, một trong những khó khăn, bấp cập trong thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước hiện nay chính là thiếu vai trò dẫn dắt và tạo nên những động lực cho con tôm bứt phá từ khoa học – công nghệ (KH-CN).

Thời gian qua, Bạc Liêu tuy đã chủ động ban hành nhiều giải pháp, tổ chức trình diễn, giới thiệu, chuyển giao các ứng dụng KH-CN tiến bộ mới để người sản xuất được tiếp cận, ứng dụng, nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả… Song, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc áp dụng KH-CN vào nuôi tôm vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Như việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng còn rủi ro nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH-CN. Thêm vào đó, nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận KH-CN, nhất là tư tưởng trọng kinh nghiệm cá nhân còn ăn sâu ở một số nông dân…

Do vậy, việc tổ chức Diễn đàn tôm Việt năm 2022 với chủ đề “Ứng dụng KH-CN phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam” không chỉ có ý nghĩa về mặt thực tiễn, mà còn hóa giải các thách thức do chính con tôm tạo ra và khuyến khích, động viên nông dân mạnh dạn ứng dụng KH-CN mới vào sản xuất theo hướng tối ưu hóa lợi nhuận và phát triển bền vững.

Điều đáng ghi nhận hơn cả là tại diễn đàn này, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã giới thiệu cho nông dân những mô hình mới ứng dụng KH-CN tiên tiến, hiện đại, nhất là giải quyết tốt bài toán về ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm. Điển hình như Công ty TNHH Trân An Phú đã giới thiệu cho nông dân trên 30 sản phẩm sinh học phục vụ cho nuôi tôm sạch gắn với mục tiêu sản xuất “lúa thơm, tôm sạch”. Hiện các sản phẩm này đã được nông dân Bạc Liêu áp dụng trên đồng đất và mang lại kết quả đáng phấn khởi. Tôm nuôi áp dụng quy trình này đã tạo ra sản phẩm chất lượng, bán được giá cao hơn so với sản xuất truyền thống, do áp dụng quy trình sản xuất tôm sạch từ khâu cải tạo đến khâu nuôi và thu hoạch. Đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững…

Ngoài ra, còn có các quy trình và các mô hình nuôi tôm tiên tiến khác cũng được giới thiệu như: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám sát môi trường nuôi tôm (Công ty Tepbac); Quản lý trại nuôi tôm bằng công nghệ thông minh (Công ty JaLa, indo); Công nghệ nuôi tôm tuần hoàn 100% nước thải và chất thải (Tập đoàn Haicorp)…

Với việc giới thiệu các mô hình, quy trình và sản phẩm nuôi tôm sạch, Diễn đàn tôm Việt năm 2022 thật sự trở thành “cầu nối” giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, thúc đẩy ứng dụng KH-CN vào nuôi tôm một cách mạnh mẽ và hứa hẹn tạo nên những đột phá cho con tôm phát triển nhanh và bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Lê Tấn Cận: Ưu tiên phát triển và ứng dụng KH-CN tiên tiến vào nuôi tôm:

Để thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và chọn KH-CN làm khâu đột phá, Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Phấn đấu tỉnh là nơi có sức hút các nhà đầu tư, nhà khoa học, các nguồn lực để có thể tạo được tác động lan tỏa thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững, trong đó ưu tiên phát triển và ứng dụng KH-CN tiên tiến vào nuôi tôm.

Sớm xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, với nòng cốt là các tổ chức KH-CN và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm.

Xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh hướng tới đạt chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng và có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính…

KIM TRUNG

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu