Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình: Mở rộng liên kết sản xuất con giống
Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình: Mở rộng liên kết sản xuất con giống

Cán bộ Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình chăm sóc đàn cá giống bố mẹ. Ảnh: Trường Giang

Đồng chí Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cho biết: Sơ bộ khảo sát cho thấy, nhu cầu về con giống, mỗi năm tỉnh cần từ 50 – 60 triệu con. Nhưng trên địa bàn tỉnh, duy nhất chỉ có 1 Trại sản xuất giống trực thuộc Trung tâm giống thủy sản, lại đang được đầu tư xây dựng. Diện tích ương giống trên địa bàn tỉnh ngày một thu nhỏ, do một số diện tích ao ương trước kia đã chuyển đổi mục đích sử dụng khác. Số hộ ương nuôi con giống, hầu hết là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hàng năm chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu giống của tỉnh.

Với mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản đạt bình quân trên 10%/năm, đồng thời nâng cao năng suất cũng như giá trị sản xuất thủy sản, một trong những khâu đầu của sản xuất đó là con giống. Để đảm bảo con giống có chất lượng, đủ số lượng cho người nuôi, ngành Thủy sản cần xây dựng một số giải pháp mang tính đồng bộ đó là: Đối với cấp xã, phường, có diện tích nuôi lớn hoặc nuôi những đối tượng đặc sản có giá trị kinh tế cao, cần thành lập được tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ thủy sản. Nhiệm vụ của tổ hợp tác, hợp tác xã đó là, xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng, phẩm chất của con giống mà địa phương cần; tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật, đăng ký, quản lý chất lượng; dịch vụ giống, thức ăn, hóa chất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nuôi khi có tranh chấp… Trung tâm Giống thủy sản đi vào sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, tiến tới tự động hóa. Di nhập, thuần hóa, lai tạo, chọn lọc giống để sản xuất đại trà. Tạo ra được những giống loài có giá trị kinh tế, phát triển và tạo dựng thương hiệu của sản phẩm. Đó là khâu đầu tiên trong chuỗi sản xuất thủy sản, bởi rất nhiều giống loài thủy sản mà người nuôi sẽ không sản xuất được.

Mục tiêu, sản xuất ra ấu trùng (cá bột) đáp ứng được 95 – 100% nhu cầu của tỉnh và một phần cung cấp cho tỉnh bạn; cá hương (21 ngày tuổi) đáp ứng được 60-70%, giống cấp I đáp ứng 5-10% … cung cấp cho vùng ương giống và cho người dân nuôi. Tính đến cuối tháng 10/2017, Trại giống thủy sản trực thuộc Trung tâm đã sản xuất được: 31,3 triệu con cá bột; cá hương gần 9,6 triệu con; cá giống 1 triệu con, chủ yếu là các giống cá: chép, trắm cỏ, cá rô, chép Koi, trôi, trắm đen. Hiện tại đã bước sang mùa đông, nhiệm vụ của Trại là lưu giữ các đàn cá bố mẹ qua đông, chuẩn bị cho vụ sản năm sau.

Trung tâm cũng đã và đang liên kết với các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ở các địa phương xây dựng mở rộng vùng ương nuôi giống tập trung, tạo thành những vệ tinh sản xuất giống và tại xã Khánh Tiên (Yên Khánh) 10 ha, Ninh Giang (Hoa Lư) 14,8 ha, Yên Bình (thành phố Tam Điệp) 30 ha, Đồng Phong (Nho Quan) 3,5 ha. Ông Mai Văn Dự, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Khánh Tiên (Yên Khánh) cho biết: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản của ông mới được thành lập gồm 10 người, có diện tích khoảng 10 ha, các thành viên trong Tổ cùng nhau liên kết và làm vệ tinh ương nuôi giống cho Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình. Được sự giúp đỡ của các cán bộ thuộc Trung tâm, các hộ gia đình trong Tổ đã được tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật về xây dựng ao nuôi, xử lý ao nuôi, chăm sóc ương nuôi cá giống, phòng trị bệnh cho cá ương nuôi và được tiếp nhận loại con giống đảm bảo chất lượng. Mặt khác, trong khâu tiêu thụ sẽ được trung tâm tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ. ở đây,Trung tâm Giống thủy sản đóng vai trò nòng cốt trong khâu cung cấp giống ban đầu. Các Tổ hợp tác bố trí vùng ương giống tập trung, thực hiện công đoạn ương giống từ giai đoạn ấu trùng (cá bột), cá hương (21 ngày tuổi) lên giống cỡ lớn; tuân thủ nghiêm về quy trình, chất lượng con giống; ương nuôi, nhân giống những đối tượng đã được sản xuất đại trà tại Trung tâm để phục vụ địa phương…

Nhằm hướng đến mục tiêu có nguồn giống sản xuất tại chỗ đáp ứng đủ cho nhân dân của tỉnh, một phần sẽ cung cấp cho tỉnh bạn, Trung tâm sẽ tìm kiếm, điều tra, khảo sát để tổ chức thực hiện mỗi huyện có từ 1-2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản liên kết với Trung tâm ương nuôi con giống. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng, số lượng con giống được lưu thông trên địa bàn. Truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ con giống, xây dựng chính sách bảo hộ cho người sản xuất đảm bảo chất lượng con giống. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho đơn vị, cơ sở, người sản xuất ra con giống phục vụ cho địa phương, với những chính sách ưu đãi nhất.

Đinh Chúc
Nguồn: Báo Ninh Bình