Trung Quốc: Giảm sử dụng ngô, đậu nành trong thức ăn chăn nuôi

[Người Nuôi Tôm] – Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc vừa công bố hướng dẫn khuyến nghị giảm lượng ngô và đậu tương trong thức ăn cho lợn và gia cầm. Đây được cho là biện pháp giúp quốc gia này định hình lại dòng chảy ngũ cốc được thu mua với số lượng được dẫn đầu thế giới.

Hướng dẫn bao gồm khuyến nghị về các thành phần thay thế, với mục tiêu cải thiện việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thô có sẵn và tạo ra một công thức phù hợp với điều kiện sản xuất của Trung Quốc. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung ngô trong nước đang bị thắt chặt, trong khi người nuôi đang tích cực tái đàn sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi (ASF) kéo dài suốt 2 năm vừa qua.

Khuyến nghị mới đã đề xuất các nguyên liệu có thể dùng thay thế cho ngô được như gạo, cám, sắn, lúa mạch. Các nguyên liệu được chấp nhận thay thế cho đậu nành bao gồm bột hạt cải dầu, bột hạt bông, bột đậu phộng, bột hướng dương, các loại ngũ cốc sấy khô, bột cọ, bột lanh, bột vừng và các sản phẩm phụ chế biến từ ngô. Hướng dẫn cũng đề xuất các công thức thức ăn dựa trên điều kiện từng khu vực, chẳng hạn như giảm ít nhất 15% ngô trong khẩu phần ăn cho vùng nuôi lợn tại Đông Bắc, bằng cách sử dụng gạo và cám gạo thay thế. Ở khu vực phía Nam, khuyến cáo sử dụng bột sắn, bột cám gạo và lúa mạch thay thế cho ngô trong khẩu phần ăn của lợn.

Theo Rabobank, giá ngô của Trung Quốc đã tăng hơn 1/3 chỉ trong năm nay, trong khi kho dự trữ và sản lượng dự trữ đang giảm dần. Nước này đang bắt đầu nhập khẩu nhiều ngô hơn để bù đắp thâm hụt trong nước. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 175 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi mỗi năm, và con số đó sẽ tăng lên khi số lượng tái đàn ngày một nhiều. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 100 triệu tấn đậu nành mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ thức ăn cho lợn tại Trung Quốc dự kiến tăng 11% so với năm 2020. Mức tiêu thụ thức ăn cho gà thịt cũng dự báo sẽ tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, việc sử dụng thức ăn cho gà đẻ sẽ giảm nhẹ. Về tổng thể, lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi tại quốc gia này dự kiến sẽ tăng 7% – 8% vào năm 2021. Tiêu thụ bột đậu nành ở Trung Quốc sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến quốc gia này sẽ nhập khẩu một lượng lớn ngũ cốc dùng cho thức ăn chăn nuôi vào năm 2021, chủ yếu từ Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng lúa mì trong sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến giúp “thúc đẩy đáng kể” do việc dự trữ nguyên liệu của Chính phủ Trung Quốc, cung cấp lúa mì, gạo cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc cũng đang có xu hướng sử dụng lúa mì thay thế ngô trong công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi, bởi lúa mì có hàm lượng protein cao hơn. Sắp tới đây, việc sử dụng bột đậu nành cũng sẽ được Trung Quốc điều chỉnh lại cho phù hợp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và các nguồn tin trong ngành cho biết, sẽ rất khó để đưa ra ước tính chính xác về lượng ngô và bột đậu nành sẽ bị cắt giảm theo hướng dẫn, chẳng hạn như trong một số chế độ ăn được khuyến nghị, việc sử dụng ngô bị cắt giảm, nhưng nhiều DDG hơn , năng lượng protein của ngô và các axit amin được đề xuất, được tạo ra từ ngô.

“Ngoài ra, đây chỉ là một gợi ý cho các công ty, không phải là bắt buộc họ phải thực hiện”. Wang Xiaoyang, nhà phân tích của Sinolink Futures, cho biết thêm rằng trên thực tế, một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã thay thế ngô và bột đậu nành với tỷ lệ cao hơn nhiều so với khuyến nghị chính thức.

Nhiên (Tổng hợp từ Rabobank và FeedStragety)