Triển vọng nuôi tôm theo mô hình ‘CPF-Combine version 2’

Năm 2020, “mô hình CPF Combine thế hệ 2” nuôi tôm nhiều giai đoạn trong bể tròn, bể nổi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên trên địa bàn huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Hiệu quả của mô hình đã tạo niềm tin về một tương lai phát triển bền vững cho nuôi trồng thủy sản.

Bể nổi có hệ thống lưới lan che mát, ổn định nhiệt độ nuôi tôm.

CPF Combine thế hệ 2

Mô hình CPF Combine thế hệ 2 hay còn gọi là “CPF-Combine version 2” do Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chuyển giao. Mô hình này hiện đang được nông dân các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú triển khai. Tại huyện Bình Đại, mô hình thực hiện vào những tháng cuối năm 2019. Sang năm 2020, nông dân đã thu hoạch vụ đầu tiên và đang tiếp tục vụ nuôi thứ hai.

Tại vùng nuôi tôm áp dụng mô hình CPF Combine thế hệ 2, ở xã Thạnh Phước, khu vực nuôi này có 7 bể tròn xây nổi trên mặt đất. Bể làm bằng khung sắt, diện tích 630m2, thành bể cao 1,3m. Chi phí đầu tư mỗi bể khoảng 150 triệu đồng, gồm: chi phí làm bể, bạt lót, hệ thống oxy, 2 dàn quạt, máy cho ăn, lưới lan che mát. Loại tôm nuôi là thẻ chân trắng. Thời gian nuôi từ 90 – 110 ngày. Hộ dân có thể nuôi 2, 3 hoặc 4 giai đoạn, nhưng phổ biến hiện nay là nuôi 2 và 3 giai đoạn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu – nhân viên bộ phận kỹ thuật Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam phụ trách khu vực nuôi xã Thạnh Phước cho biết: “So với CPF Combine thế hệ 1 là nuôi tôm nhiều giai đoạn trong bể đất chìm, lót bạt đáy hoàn toàn thì CPF Combine thế hệ 2 nuôi nhiều giai đoạn trong bể tròn nổi, lót bạt đáy hoàn toàn có nhiều cái lợi hơn. CPF Combine thế hệ 2 dễ quản lý, dễ thi công, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ và cả chăn nuôi tập trung. Kết quả tỷ lệ tôm sống cao, nhất là nuôi dễ quản lý, tiết kiệm điện, công lao động, môi trường nuôi và môi trường xung quanh hộ nuôi đạt điều kiện an toàn…”.

Lợi ích của mô hình CPF Combine thế hệ 2 là dễ quản lý hoạt động nuôi tôm nhờ dạng ao tròn, sự chuyển động của lực ly tâm giúp lượng thức ăn dư thừa, xác tôm chết tập trung ở đáy ao. Từ đó, người nuôi có thể kiểm soát tốt lượng thức ăn dư thừa và lượng tôm hao hụt, dễ kiểm tra đáy ao, chất lượng nước. Việc hút cặn đáy ao cũng dễ hơn. Khi thay nước chỉ cần xả van, giúp tiết kiệm điện và công lao động vệ sinh đáy ao. Với mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn, Combine thế hệ 2 mỗi nhân công có thể quản lý 2 bể, thay vì Combine thế hệ 1 mỗi người chỉ quản lý được 1 bể.

Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên tại vùng nuôi Thạnh Phước áp dụng mô hình CPF Combine thế hệ 2, anh Nguyễn Văn Hiếu – nhân viên bộ phận kỹ thuật Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nhận xét: “Chúng tôi thả 1 triệu tôm giống nuôi trong 7 bể, thu hoạch được 29 tấn, tỷ lệ tôm sống trên 90%. Chi phí nuôi thế hệ 2 chỉ cao hơn từ 10 – 15% chi phí so với thế hệ 1 nhưng lợi ích rất nhiều. Đặc biệt, thế hệ 2 có hầm biogas chứa chất thải tôm, xác tôm chết làm khí đốt. Hộ nuôi không xả chất thải ra bên ngoài. Nhờ đó, chăn nuôi dễ áp dụng quy trình an toàn sinh học, vừa giúp môi trường xung quanh hộ nuôi được đảm bảo vệ sinh”.

Triển vọng phát triển bền vững

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, toàn huyện có hơn 784ha nuôi tôm CNC, chủ yếu là nuôi tôm 2 giai đoạn, phổ biến ở khu vực các xã: Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Bình Thắng. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao (CNC) trong bể tròn, bể nổi chỉ mới nhen nhóm trong một vài hộ ở huyện, nhưng hiệu quả được đánh giá cao nhờ ưu điểm dễ hút cặn dưới đáy ao (trung bình mỗi ngày hút 1 – 2 lần).

Thêm nữa, đa phần các khu vực nuôi tôm tập trung đều phải thuê đất. Khi nuôi CNC tiết kiệm đất và giữ nguyên hiện trạng đất mặt. Tại khu vực nuôi tôm mô hình CPF Combine thế hệ 2, xã Thạnh Phước, giáp ranh xã Thới Thuận, với 7 bể nuôi, mỗi bể 630m2, chỉ tốn tổng diện tích đất hơn 4.410m2, bể nổi không cần đào ao, khi hết thời gian thuê, chủ đất được trả lại đất nguyên trạng, dễ dàng canh tác hay xây dựng các công trình. Nếu nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi bể tròn 630m2, cộng với bờ đi tốn khoảng 800m2 đất/bể, 7 bể cần tới 5.600m2. Thêm vào đó, trước đây, việc xả thải ra môi trường của hoạt động nuôi tôm tập trung thường khiến cho người dân phản ứng vì ảnh hưởng đến môi trường nước dùng chung. Với mô hình nuôi tôm CNC có hầm chứa chất thải, môi trường tự nhiên được đảm bảo an toàn hơn.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản về tình hình tôm biển, năm 2020, hình thức nuôi thâm canh, tôm sú – lúa, quảng canh, tôm – rừng thả giống chậm hơn so với năm 2019. Sản lượng giảm, do ảnh hưởng tác động kép từ dịch Covid-19 và nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao xảy ra trong các tháng đầu năm. Giá tôm nguyên liệu 9 tháng năm 2020 dao động mức thấp nên đa số người nuôi hòa vốn đến lãi ít.

Riêng hình thức nuôi tôm chân trắng 2 giai đoạn đang phát triển tốt. Diện tích tăng so với năm 2019. Trại nuôi được khép kín, kiểm soát quản lý tốt môi trường nước, thức ăn nên ít xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, do giá tôm giảm nên các hộ nuôi 2 giai đoạn thả nuôi từ 1 – 2 vụ/năm (so với năm 2019 nuôi 3 vụ/năm). Trong năm, tổng diện tích nuôi 2 giai đoạn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.640ha, năng suất bình quân 60 tấn/ha, sản lượng đạt 29.520 tấn.

Ngày 27-11-2020, Huyện ủy Bình Đại ban hành kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tăng năng suất, chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm đến năm 2025. Theo đó, ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 18 ngàn ha, trong đó, nuôi tôm biển thâm canh 6 ngàn ha, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 ngàn ha. Sản lượng nuôi tôm biển 45 ngàn tấn. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết tôm biển gắn với truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận theo yêu cầu của thị trường.

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi