Tổng quan tình hình dịch bệnh trên tôm năm 2020

[Người Nuôi Tôm] Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục Thú y tổ chức thành công hội nghị “Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021”. Trong đó, tổng diện tích thiệt hại trên tôm nước lợ là 42.738,81 ha, chiếm 93,83% trong tổng số thủy sản nuôi bị thiệt hại, chiếm 5,89% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước.

2.754,06 ha tôm mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp

Theo số liệu báo cáo từ Cục Thú y, năm 2020 bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 151 xã của 53 huyện, thị xã, thuộc 18 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 2.754,06 ha, chiếm 3,12% diện tích thả nuôi. Trong đó, tôm bị bệnh chủ yếu là từ độ tuổi 10 – 100 ngày sau khi thả; Diện tích tôm sú bị bệnh là 825,23 ha, tôm thẻ bị bệnh là 1.928,83 ha; Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 2.519,69 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 234,37 ha.

Tỉnh Sóc Trăng là nơi có diện tích bị thiệt hại nặng nề nhất chiếm 1.179,51 ha, chiếm 42,83% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh. Tiếp đó là tỉnh Trà Vinh, Hải Phòng và các địa phương khác.

Các thông số so sánh Thời gian so sánh
Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020
Số tỉnh có dịch 17 18 18
Số huyện có dịch 64 53 53
Số xã có dịch 209 163 151
Tổng diện tích bị bệnh (ha) 5.042,39 2.657,20 2.754,06

 

Bảng 1: Tổng hợp dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp năm 2018-2020 (Số liệu từ Cục Thú y)

Nhìn chung, so với năm 2019, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 7,3% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 3,6%. Tuy nhiên so với năm 2018, bệnh xảy ra hẹp hơn cả về phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh.

Năm 2020, tổng diện tích tôm nuôi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp là 2.754,06 ha – Ảnh minh họa

 

2.629,39 ha tôm mắc bệnh đốm trắng

Năm 2020, bệnh đốm trắng xảy ra tại 202 xã của 68 huyện, thị xã thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh là 2.629,39 ha, chiếm 2,18% diện tích thả nuôi. Trong đó, tôm bệnh có độ tuổi từ 5-120 ngày sau khi thả; Diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 938,98% ha, tôm thẻ chân trắng bị bệnh là 1.690,41 ha; Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 2.053,95 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến, xen ghép tôm và lúa là 575,43 ha. Tỉnh Sóc Trăng là nơi có diện tích bị bệnh lớn nhất 686,72 ha, chiếm 26,12% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh. Tiếp đến là Trà Vinh, Bến Tre và các địa phương khác.

Các thông số so sánh Thời gian so sánh
Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020
Số tỉnh có dịch 21 21 22
Số huyện có dịch 73 64 68
Số xã có dịch 244 193 202
Tổng diện tích bị bệnh (ha) 5.477,95 2.286,31 2.629,39

 

Bảng 2: Tổng hợp dịch bệnh đốm trắng trong năm 2020 (Số liệu từ Cục Thú y)

So với năm 2019, bệnh xảy ra ở phạm vi rộng hơn 4,7% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 15%. Ngược lại so với năm 2018, bệnh xảy ra hẹp hơn cả về phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh.

Một số bệnh thông thường khác

Theo số liệu thống kê cụ thể của Cục Thú y, năm 2020 có 511,9 ha tôm mắc bệnh đỏ thân. Trong đó, tại Ninh Thuận chiếm 0,3 ha, Trà Vinh 334,6 ha và Bạc Liêu 177 ha.

Bệnh phân trắng: 451,23 ha tôm bị bệnh, trong đó tại Quảng Ngãi 5,9 ha, trà Vinh 42,43 ha, Sóc Trăng 262,9 ha và Bạc Liêu 140 ha.

IHHNV: 383,8 ha tôm bị bệnh tại Hải Phòng, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Trà Vinh

Đường ruột: 177,33 ha tôm bị bệnh tại Trà Vinh.

Chậm lớn do còi và EHP: 41,55 ha diện tích tôm bị mắc bệnh tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng và Trà Vinh

Bên cạnh đó, tổng số tôm mắc bệnh không rõ nguyên nhân chiếm 32.731,8 ha, lý do chủ yếu được cho là địa phương không lấy mẫu xét nghiệm. Cụ thể, Thái Bình 2,24 ha; Nghệ An 23,67 ha; Quảng Ngãi 1 ha; Trà Vinh 7,32 ha; Cà Mau 32.697,57 ha, chủ yếu là trên tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến.

Tôm mắc bệnh do biến đổi môi trường lên tới 3.322,75 ha tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế 48,98 ha; Quảng Nam 351,8 ha; Bình Định 6,71 ha; Phú Yên 12,5 ha; Long An 84,52 ha; Kiên Giang 111,7 ha, Trà Vinh 122,47 ha; Sóc Trăng 2.237,07 ha và Bạc Liêu 347 ha.

Nhìn chung, trong năm 2020 phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Các loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi. Kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, môi trường biến đổi mạnh, nhanh và cực đoan, … tác động đến sức khỏe tôm nuôi làm cho tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, sức đề kháng yếu. Đồng thời, điều kiện môi trường biến đổi tiêu cực lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nên mức độ thiệt hại tăng hơn so với năm 2019, tình hình dịch bệnh cũng phức tạp hơn.

Do đó, Cục Thú y đã ra khuyến cáo cho bà con nông dân trong năm 2021 cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để dự trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi đảm bảo điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Thực hiện quan trắc môi trường, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.

Phạm Huệ