‘Tôm Cà Mau’, chớ bi quan vì đại dịch

Chủ tịch Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng thăm ao tôm đến lứa nhưng không thu hoạch vì giá đang giảm.

Giá nguyên liệu giảm hơn tuần qua phảng phất bầu u ám đối với nông dân nuôi tôm ở “vựa tôm” lớn nhất cả nước. Chính quyền và cơ quan chức năng Cà Mau đang làm mọi cách để cải thiện tình hình, đồng thời khuyên nông dân nên bình tĩnh, không thu hoạch đồng loạt trong thời điểm tôm giảm giá…

Thu tôm lúc giá giảm là thất sách

Sau gần 3 tháng chăm sóc, đến nay, 2 đầm tôm thẻ nuôi thâm canh của gia đình ông Hà Văn Hùm ở ấp Tân An Ninh B (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã đến lứa thu hoạch. Tuy nhiên, không giống với một số nông hộ cùng nghề, gia đình ông Hùm nhất quyết không thu hoạch mà kéo dài thời gian nuôi. Bởi ông biết rõ, thu tôm vào thời điểm giá giảm cầm chắc thua thiệt.

“Hai đầm tôm nhà tôi sản lượng không dưới 10 tấn, trong khi giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg hiện chỉ còn khoảng 90.000 đồng, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Vì thế, nếu thu hoạch lúc này ít nhất gia đình tôi mất đi 100 triệu đồng”, ông Hùm lý giải.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau làm việc với doanh nghiệp bàn tìm giải pháp ổn định sản xuất chuỗi ngành tôm.

Khác với một số vật nuôi đặc thù đến lứa phải thu hoạch ngay, con tôm có thể kéo dài thời gian nuôi để đạt kích cỡ lớn hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khá nhiều nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau lo ngại dịch bệnh Covid-19 phức tạp, vội vàng thu hoạch khi tôm chưa đến lứa bán. Việc thu tôm ồ ạt và đồng loạt kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có việc giá tôm sụt giảm.

Chủ tịch Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) Huỳnh Xuân Diện, cho biết, hiện tượng nông hộ thu hoạch tôm đồng loạt ngay thời điểm giá giảm, theo tôi là do tâm lý hoang mang. Bà con sợ khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, nhiều khả năng giá tôm sẽ giảm sâu hơn, thay vì thu hoạch sớm có lãi ích còn hơn kéo dài mà chưa biết tình hình có cải thiện được không.

“Tại thời điểm này, tôi khuyên các xã viên không thu tôm. Bởi với hơn 100 đầm nuôi thâm canh trên tổng diện tích hơn 60ha, tổng sản lượng tôm của Hợp tác xã mỗi lần thu hoạch lên đến vài trăm tấn. Vì thế, khi giá tôm sụt tới 10.000 đồng/kg, xã viên mất đi vài tỷ bạc”, ông Diện bấm đốt ngón tay, nhẩm tính.

Số liệu từ cơ quan chức năng Cà Mau, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng giảm từ đầu tháng 7/2021, chủ yếu với mặt hàng tôm thẻ chân trắng. Cụ thể, tôm thẻ loại 20 con/kg từ 217.000 đồng/kg giảm xuống còn 208.000 đồng/kg. Các size tôm thẻ khác tùy loại có mức giá giảm bình quân từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Giá trên áp dụng với tôm thẻ đạt màu và kiểm tra đạt kháng sinh, bằng ngược lại giá giảm thêm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.

Giá tôm giảm đang tạo ra tâm lý lo lắng cho người nuôi, nhất là loại hình có suất đầu tư lớn như thâm canh và siêu thâm canh, chiếm phần lớn sản lượng tôm nuôi tại Cà Mau. Bởi hiện tại, toàn tỉnh có hơn 8.500 ha nuôi thâm canh và siêu thâm canh.

Tuy nhiên, diện tích đang nuôi chỉ khoảng 4.400 ha, đang cải tạo hơn 3.162 ha và còn hơn 1.000 ha tạm ngưng nuôi. Qua rà soát thực tế, có một diện tích không nhỏ tạm ngưng hoặc đang cải tạo rơi vào trường hợp nông hộ vừa thu hoạch tôm.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Châu Công Bằng, con tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cà Mau nên rất “nhạy cảm” với biến động của thị trường, đặc biệt là với loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao, có suất đầu tư khá lớn.

Ông Bằng khuyến cáo: “Mỗi ha mặt nước nuôi theo hình thức siêu thâm canh cho sản lượng vài chục tấn. Vì thế, khi giá tôm giảm vài nghìn đồng/kg, nhà nông mất tiền tỷ như chơi. Vì thế, nông dân chớ thu hoạch vội trong thời điểm giá tôm đang giảm”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: Là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh nên khi giá tôm giảm, không chỉ nhà nông mà ngay cả chính quyền cũng mất ăn mất ngủ. Cũng vì vậy, liên tục nhiều cuộc họp gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo UBND tỉnh và cơ quan chức năng tỉnh phải vào cuộc rà soát ngay nguyên nhân do đâu, giải pháp khắc phục, tháo gỡ như thế nào.

Cần bình tĩnh trước dịch bệnh

Thực trạng giá tôm nguyên liệu giảm gần đây được bàn thảo sâu tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh, ngành chức năng và một số doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu tôm lớn tại Cà Mau vào chiều 13/7.

Tại buổi làm việc này, ông Ngô Minh Hiển, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn dự báo, xu hướng giá tôm sẽ tăng từ nay đến cuối năm bởi yếu tố thị trường có nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Riêng tại công ty ông Hiển, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu tăng khoảng 130% so với cùng kỳ.

“Giá tôm thẻ giảm trong thời gian gần đây một phần là do người nuôi tôm lo sợ dịch Covid-19 khiến xuất khẩu tôm “trục trặc”, kéo giá giảm thêm nên thu hoạch ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu tại một số doanh nghiệp chế biến tôm”, ông Hiển nêu vấn đề.

Xã viên Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng được khuyến cáo kéo dài thời gian nuôi trong tình cảnh giá đang giảm.

Cùng nhìn nhận trên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Châu Công Bằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, bởi hiện tại, các yếu tố thị trường đầu ra đang tăng trưởng trở lại.

“Theo tôi, nguyên nhân khiến giá tôm biến động phần nhiều là do tâm lý hoang mang của người nuôi tôm, công nhân và cả từ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm”, ông Bằng nhận định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, những ngày qua, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió mùa tây nam… khiến nhiều đầm tôm phải thu hoạch sớm. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân vốn đã có từ trước, như: vận chuyển, logistic… Bởi lẽ, các container tôm xuất khẩu phải chở lên cảng tại TP Hồ Chí Minh, gần đây phải qua nhiều chốt, trạm kiểm soát dịch, kéo dài thời gian, phát sinh thêm chi phí, gián tiếp khiến giá mua vào sụt giảm.

Có những nguyên nhân tác động từ bên ngoài, cần thời gian dài để khắc phục. Nhưng cũng có nguyên nhân có thể khắc phục được ngay, đó là tâm lý người nuôi, công nhân và cả doanh nghiệp, ông Sử chia sẻ và nói rõ, có phải tâm lý người nuôi tôm bán tháo vì sợ dịch bệnh phức tạp không ai mua, dẫn đến thu hoạch đồng loạt, giá giảm hay không? Tâm lý công nhân đi làm có sợ dịch, sợ lây bệnh, sợ bị cách ly không? Tâm lý từ chủ doanh nghiệp sợ mua vào có chế biến, bán được liền không, hoặc lo thu nguồn nguyên liệu vào nhiều, lỡ trong công nhân có ca mắc phải tạm ngừng hoạt động, sản xuất đình trệ…?

Tháo gỡ các khó khăn vừa nêu, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc quyết liệt làm rõ vấn đề giá thu mua chênh lệch giữa doanh nghiệp, đại lý, cũng như xác định rõ có hay không việc o ép, trục lợi trong quá trình thu mua tôm của nông dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường để có những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, qua đó đưa ra khuyến cáo cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu từng đơn vị chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh rà soát lại điều kiện phòng, chống dịch, nhất là khu vực nhà ăn, chỗ ở tập thể… bảo đảm an toàn dịch bệnh để sớm thực hiện phương châm “3 tại chỗ” theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng tỉnh: sản xuất tại chỗ; ăn uống tại chỗ; nghỉ ngơi tại chỗ.

Chính quyền Cà Mau khuyên nông dân chớ thu hoạch tôm vào thời điểm giảm giá, tránh thua thiệt.

Đến nay, Cà Mau vẫn là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, với khoảng 280 nghìn ha. Hoạt động xuất khẩu tôm mỗi năm mang về cho Cà Mau khoảng hơn 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh này đạt hơn 455 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng tôm xuất khẩu đạt hơn 423 triệu USD.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành tôm, các đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm còn khá nhiều, không phải lo đầu ra. Vì thế, để thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản, tránh nguy cơ bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất đặc biệt quan trọng, ông Lê Văn Sử yêu cầu cơ quan chức năng và các doanh nghiệp chế biến tôm trong tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm trấn an tâm lý công nhân và người nuôi tôm, giúp bà con biết động thái vào cuộc tích cực và quyết liệt của chính quyền, doanh nghiệp.

Các đơn vị chức năng của tỉnh cần đưa ra khuyến cáo kịp thời, định hướng nông dân nuôi tôm không nên thu hoạch khi tôm chưa đạt kích cỡ, tránh trường hợp bị ép giá. Ngoài ra, cần kịp thời thông tin đến người dân và doanh nghiệp diễn biến, nhu cầu thị trường, giá cả để có sự chủ động hơn trong sản xuất, ông Lê Văn Sử chia sẻ.

Để chủ động hơn trong sản xuất, vài ngày tới, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Nhưng khó khăn nhất hiện nay không phải là điều kiện vật chất, hạ tầng, phương án phòng dịch mà là tâm lý công nhân hoang mang vì dịch bệnh. Vì thế, doanh nghiệp rất mong có sự phối hợp của cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ tiếp trong việc vận động, tuyên tuyền, để công nhân yên tâm sản xuất tại chổ cùng doanh nghiệp

Ông Tô Thành Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cà Mau

Nguồn tin: Nhân Dân