Tôm bố mẹ: “Mỏ vàng” của ngành thủy sản

Chúng ta đều biết, chất lượng con giống sẽ quyết định sự thành bại ngay từ đầu của vụ nuôi. Cùng sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh ngày nay, lựa chon chất lượng giống tốt càng ngày càng quan trọng. Có bao chúng ta tự hỏi nguồn giống chúng ta sử dụng có nguồn gốc từ tôm bố mẹ như thế nào? Thị trường tôm bố mẹ ra sao?

Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho độc giả một cái nhìn khách quan và tổng quát về xu hướng sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF) trên toàn cầu thời trong thời gian qua và nhu cầu trong tương lai. Nội dung bài viết được tham khảo từ báo cáo của nhà phân tích ngành tôm hàng đầu Willem Van Der Pijl, được trình bày trong ấn phẩm ShirmpInsights của ông.

Tổng quát thị trường tôm thẻ chân trắng bố mẹ

Báo cáo trình bày, trong năm 2019, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ được cung cấp cho thị trường nằm trong khoảng 1,3 – 1,6 triệu con, giá trị lên tới 89 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia được cho là 4 thị trường lớn nhất. Cũng theo báo cáo, các nhà sản xuất tôm bố mẹ trong nước chỉ có thể đáp ứng được 15% nhu cầu thị trường, phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ các khu vực sản xuất tôm giống bố mẹ tập trung như Hawaii, Florida/Taxas, Thái Lan và Mexico.

Xu hướng trong tương lai

Báo cáo phân tích đã nêu rõ quy mô thị trường đối với tôm bố mẹ F1 dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới cùng với sự tăng trưởng sản lượng tôm nuôi. Thị trường tôm bố mẹ F1 có thể tăng trưởng với tốc độ chậm hơn sản lượng tôm nuôi mặc dù hiệu quả sản xuất và tỷ lệ sống của tôm bố mẹ cùng hậu ấu trùng đã được cải thiện.

Trong tương lai, dự kiến sẽ có nhiều trung tâm nhân giống hạt nhân (NBCs) và trung tâm nhân giống (MBC) ở khu vực châu Á và Trung Đông được thành lập. Điều này sẽ giúp thúc đẩy thị phần sản xuất tôm bố mẹ trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra thị phần ở Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng có lợi đối với những nhà sản xuất tại Florida/Taxas. Tuy nhiên, xu hướng này cũng có thể bị thay đổi trong thời gian ngắn hạn. Điều này tùy thuộc vào chất lượng và khả năng chống chịu bệnh tật của tôm của các nhà cung cấp từ các vùng địa lý khác. Các nhà sản xuất tại Florida/Taxas hoàn toàn có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng trong tương lai.

Hầu hết ở các thị trường Nam Mỹ, tôm bố mẹ phơi nhiễm với mầm bệnh (APE) nhìn chung vẫn được ưa chuộng hơn so với SPF. Tuy nhiên, với các quốc gia chú trọng vào sản xuất thâm canh (Brazil, Peru), tôm bố mẹ SPF sẽ được ưa chuộng hơn bởi khả năng hoạt động của chúng phù hợp với mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao.

Ấn Độ – Quốc gia nhập khẩu 100% tôm giống bố mẹ

Một trong những quốc gia được đề cập nhiều nhất trong bào báo cáo của Willem Pijl, Ấn Độ được coi là quốc gia có thủ tục và yêu cầu khắt khe nhất đối với việc nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại châu Á. Hiện nay, toàn bộ ngành công nghiệp tôm thẻ chân trắng của quốc gia này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu tôm bố mẹ. Báo cáo cho thấy Ấn Độ đã nhập khẩu 233,425 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ SPF trong năm 2019, giảm nhẹ so với năm 2018 (nhập khẩu 254,270 con). Sự sụt giảm này được cho là do nông dân ở đây đã có sự chuẩn bị và dự trữ sớm bởi lo ngại về sự mất giá của tôm vào hồi tháng 4/2018. Bởi vậy, trong năm 2019 việc xuống giống có phần nào e dè và diễn ra muộn hơn bình thường nhằm kéo dài thời gian nuôi giảm thiểu nguy cơ rớt giá.

Shirmp Improvement System (SIS) và Kona Bay là hai công ty thống trị thị trường tôm nhập khẩu trong năm 2019 tại Ấn Độ, chiếm khoảng 86%. Cả hai công ty đã cung cấp khoảng 100.000 tôm bố mẹ cho thị trường trong nước. Năm 2019, Ấn Độ có 311 cơ sở sản xuất giống được công nhận để nhập khẩu tôm bố mẹ, 140 trong số này đã có hoạt động nhập khẩu tôm bố mẹ trong năm 2019.

Tại Ấn Độ, hiện nay Vaisakhi là nhà nhập khẩu tôm bố mẹ lớn nhất, với hơn 15.000 con tôm bố mẹ được nhập khẩu và hơn 1.000 con từ RGCA vào năm 2019. Được biết, công ty có kế hoạch tăng số lượng nhập khẩu khi hoàn thành xây dựng thêm một cơ sở sản xuất giống. Với trại giống mới này, nhu cầu về tôm bố mẹ của công ty chắc chắn sẽ tăng lên.

Nhà nhập khẩu lớn thứ 2 tại Ấn Độ trong năm 2019 thuộc về BMR với số lượng nhập khẩu hơn 13.000 con tôm giống bố mẹ. BMR cũng vận hành trung tâm nhân giống BMC của riêng mình để nhập khẩu hậu ấu trùng tôm giống bố mẹ (PPL) từ Blue Genetics ở Mexico. Với 10.000 -25.000 con tôm bố mẹ được sản xuất từ BMC vào năm 2019 đã giúp công ty này đóng một vai trò quan trọng trong phân khúc cung cấp tôm giống bố mẹ tại thị trường nội địa Ấn Độ. Hiện tại, năng lực sản xuất của công ty đang là 80.000 con tôm bố mẹ hàng năm và có khả năng sản lượng sẽ còn tăng lên trong vài năm tới.

Đứng thứ 3 là Tập đoàn Sapthagiri, với phương thức kinh doanh mua lại rồi cho thuê các trại giống, hiện tại tập đoàn đang vận hành khoảng 15-20 trại giống.

CP Aquaculture Ấn Độ nhập khẩu chỉ 3.600 tôm bố mẹ và có 5.200 tôm bố mẹ từ RGCA BMC (trung tâm giống tổng hợp) năm 2019 nên được xem là nhà nhập khẩu, người mua hàng lớn thứ 4 ở đây.

Xu hướng tại Ấn Độ

Các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ đang có tham vọng tăng sản lượng tôm nuôi từ 600.000 -700.000 tấn/năm 2019 lên thành 1 triệu tấn trong vài năm tới. Điều này dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu tôm bố mẹ lên khoảng 400.000 – 450.000 con trong những năm tiếp theo.

Tôm bố mẹ sản xuất trong nước sẽ có sự cạnh tranh với tôm bố mẹ nhập khẩu. Tuy nhiên, với khả năng sản xuất hiện tại của địa phương cùng với dự báo nhu cầu tôm bố mẹ tăng lên, nhiều khả năng số lượng tôm bố mẹ nhập khẩu vẫn sẽ ổn định, thậm chí tăng nhẹ.

Các nhà sản xuất thức ăn và xuất khẩu tôm đã phối hợp cùng các nhà sản xuất tôm giống trong chuỗi cung ứng và dịch vụ của họ nhằm tăng khách hàng thân thiết bao gồm người nông dân và nhà phân phối.

Sự kết hợp giữa các trại giống là điều tất yếu. Những năm gần đây, những nhóm như Sapthagiri và SVR đã mua lại các trại giống nhỏ và tăng thị phần lên. Số lượng các công ty nhập khẩu giảm đi nhưng những nhóm nhập khẩu lại tăng lên.

Gia Bảo

Tải bản báo cáo đầy đủ tại: https://www.shrimpinsights.com/report-series