Tiềm năng nuôi cua trứng thương phẩm

Ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã triển khai nhiều mô hình kinh tế mới đem lại giá trị cao, trong đó có mô hình nuôi cua trứng thương phẩm. Để phát huy giá trị sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp các địa phương, trạm khuyến nông, khuyến ngư cơ sở triển khai thực hiện mô hình nuôi cua trứng thương phẩm. Đây là mô hình tương đối dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không tốn kém nhiều thời gian chăm sóc.

Đặc biệt, sản phẩm này đang được thị trường ưa chuộng, vì thế sức tiêu thụ ổn định, thuận lợi. Nguồn thức ăn cho cua tương đối dồi dào, dễ kiếm, như: cá tạp, thức ăn công nghiệp… Xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới đang triển khai hiệu quả mô hình thương phẩm này.

Xã Quang Phú hiện có 2.800m2 diện tích nuôi cua trứng thương phẩm. Mô hình bắt đầu được triển khai thực hiện từ tháng 3-8/2017. Sau 5 tháng thực hiện, nhìn chung, cua phát triển khá tốt, bảo đảm các tiêu chỉ tiêu yêu cầu. Trọng lượng trung bình khi thu hoạch đạt 270g/con. Tổng doanh thu ước đạt khoảng 258 triệu đồng sau khi trừ chi phí trên 35 triệu đồng.

Đặc điểm nổi bật của nuôi cua trứng thương phẩm là mùa vụ nuôi có thể quanh năm, nhưng thích hợp nhất vẫn là từ tháng 3 đến tháng 8. Những tháng mùa mưa cũng có thể nuôi cua, tuy nhiên, sự biến động lớn về nhiệt độ, độ mặn, độ phèn… có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng cua nuôi.

Nói về kỹ thuật nuôi, chị Nguyễn Thị Liễu, một trong những hộ nuôi ở xã Quang Phú cho biết, bà con nên thả cua vào buổi sáng, cua được thả đều khắp ao. Thả cua sát mép nước để cua tự bò xuống. Trước khi thả, cần chú ý độ mặn, nếu độ mặn quá chênh lệch, người nuôi cần thuần hoá rồi mới thả.

Nên thả vào lúc nhiệt độ còn thấp (7 – 9 giờ sáng). Cua thích sống ở đáy (chất đáy cát pha bùn) hoặc bám vào các thực vật thủy sinh, cua bột có thể sống được ở nước độ mặn 7- 15o/oo và thấp hơn, ăn các động vật nhỏ và thức ăn chế biến, rong, tảo. Cua bột 2, 3 (cua C2- C3) có kích thước 0,5 cm, có thể thả trực tiếp xuống ao nuôi cua thương phẩm nếu như đáy ao nuôi được cải tạo triệt để, có lưới chắn xung quanh bờ, nước nuôi được xử lý tốt và phải được loại bỏ cua, cá tạp… trước khi lấy vào ao nuôi.

Tuy nhiên, phần lớn các ao nuôi cua khó có thể làm được điều đó nhất là việc nuôi cua trong ao ở vùng triều diện tích lớn. Vì vậy, cua thả nuôi phải đạt kích cỡ lớn hơn để bảo đảm tỷ lệ sống cao hơn. Khi thả cua cần thả thêm cua đực với tỉ lệ 15 – 20% so với cua cái để cua cái.

Có thể thấy, mô hình nuôi cua trứng thương phẩm khá phù hợp với điều kiện nuôi của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những vùng nuôi tôm nhiều năm bị dịch bệnh, bỏ hoang. Hiệu quả mô hình không chỉ giải quyết khó khăn về kinh tế, tạo việc làm mà còn bảo đảm nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi, bởi sản phẩm có giá bán cao, nhu cầu lớn, dễ tiêu thụ.

Hiệu quả đạt được của mô hình sẽ là tiền đề quan trọng để nhân rộng phát triển nuôi cua trứng thương phẩm trên vùng ao đất nuôi tôm thường hay dịch bệnh. Cua có thể được nuôi đơn hoặc nuôi xen ghép với các đối tượng tôm, cá khác.

So với cua thịt, giá của cua trứng thường cao gấp 1-2 lần. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích và đối tượng nuôi, giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi cua trứng, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để mô hình kinh tế này ngày càng pháp triển ổn định và lâu dài; đồng thời, tiếp tục cấp thêm kinh phí để triển khai nhân rộng mô hình thực hiện trên vùng ao đất hiện có cho người dân.

Hiền Phương
Nguồn: Báo Quảng Bình