Thị trường kinh doanh thuốc thú y – thủy sản: Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt

[Người Nuôi Tôm] – Kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản là một ngành linh hoạt và mang lại lợi nhuận cao. Việc kinh doanh chung cả thức ăn và thuốc mang lại sự tiện lợi cho người nuôi tôm và cá. Cũng chính vì lợi nhuận lớn, vài năm trở lại đây, thị trường thuốc thủy sản mọc lên như nấm sau mưa. Điều này đã gây ra sự cạnh tranh gắt gao giữa các đại lý và doanh nghiệp. Chính sách các công ty cũng được thay đổi liên tục để nhanh chóng thích ứng kịp với thực tế.

Đa dạng các sản phẩm thuốc thủy sản được bày bán tại đại lý (Ảnh minh họa)

 

Qua khảo sát của Người nuôi tôm, có thể thấy tại một số vùng trọng điểm nuôi tôm miền Bắc như huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), các cửa hàng, đại lý thuốc thú y thủy sản nằm san sát nhau. Theo chia sẻ của anh Ch, chủ đại lý thuốc thủy sản tại Nam Định, tính sơ sơ khu vực xã anh có đến hơn 30 đại lý thuốc thú y thủy sản lớn, nhỏ. Chính vì vậy, không tránh khỏi việc cạnh tranh trong kinh doanh cũng như cạnh tranh về chất lượng và giá cả giữa các công ty.

Anh KH, chủ 1 đại lý thức ăn – thuốc thủy sản tâm sự, cách đây 5 năm về trước, việc kinh doanh của gia đình anh khá ổn định, khách hàng hầu như tự tìm đến và nhờ tư vấn bán thuốc, chất lượng thuốc của của công ty cũng rất ổn định, dễ bán. Nhưng 5 năm trở lại đây, các đại lý lớn nhỏ mọc lên rất nhiều. Họ đến tận nơi để tư vấn, bán thuốc cho người nuôi. Chính vì thế mà gia đình anh cũng phải thay đổi lại phương thức kinh doanh, không thể ngồi yên chờ khách hàng tới như trước nữa.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Vân, một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết, việc chọn mua các sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học để xử lý nước ao nuôi, rồi phòng dịch, bệnh cho tôm luôn làm chị “nhức đầu”. Hồi mới vào nghề, chị như bị lạc vào “mê hồn trận” thị trường thuốc thú y, thủy sản. Có đến hàng trăm loại được bày bán tại các cửa hàng, đại lý phân phối gần nhà. Vào những thời điểm nhạy cảm, tôm mới thả hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh, rất nhiều nhân viên kinh doanh, tư vấn viên của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y thủy sản đến tận ao nuôi để giới thiệu sản phẩm. “Quá nhiều sản phẩm có thể dùng để điều trị một bệnh, cũng có những sản phẩm của các công ty khác nhau nhưng giống về thành phần công dụng. Chỉ khi dùng trực tiếp mới có thể phân biệt được chất lượng sản phẩm nào thật sự tốt và hiệu quả. Điều này khiến tôi rất đau đầu mỗi khi phải chọn lựa”, chị Vân chia sẻ.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn xem thị trường thủy sản là mảnh đất màu mỡ để đầu tư và phát triển hệ thống kinh doanh. Chính vì thế, dự đoán trong tương lai, số lượng các đại lý, cửa hàng thuốc có thể vẫn còn tăng, cũng đồng nghĩa những sản phẩm, doanh nghiệp có chất lượng không tốt sẽ bị đào thải bởi sự cạnh tranh khốc liệt.

Tú Linh

Tin mới nhất

T6,03/05/2024