Thầu dầu: Thảo dược kháng vi khuẩn Vibiro

[Tạp chí người Nuôi Tôm] – Cao chiết thầu dầu cho hiệu quả cao nhất với đường kính vòng vô khuẩn 17-18mm, kế đến là cao chiết mật gấu, chùm ngây, ô rô và sài đất với đường kính vòng vô khuẩn ở mức trung bình từ 10-11mm.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu của Hồng Mộng Huyền & Võ Tấn Huy được thực hiện trên 7 loại thảo dược ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: lá thầu dầu (Ricinus communis L.), cây lưỡi rắn (Hedyotis corymbosa L.), lá mật gấu (Vernonia amygdalina del.), lá chùm ngây (Moringa oleifera), lá lược vàng (Callisia fragrans), cây ô rô (Acanthus ilicifolius L.) và cây sài đất (Wedelia calendulacea (L) Less).

Cây thảo dược được rửa sạch, sấy khô ở 60oC và nghiền thành bột. Bột thảo dược ngâm với methanol có tỉ lệ 1:10 trong 3 ngày. Sau đó dịch chiết được lọc qua giấy lọc Whatman No. 1 và cô quay chân không ở 48oC để loại bỏ dung môi.

7 loại cao chiết thảo dược được sử dụng để xác định hoạt tính kháng khuẩn với 2 chủng vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh trên tôm nuôi là V. harveyi V. parahaemolyticus.

Kết quả nghiên cứu

Hoạt tính kháng khuẩn của thảo dược đối với vi khuẩn V. harveyi và V. parahaemolyticus

Hầu hết các loại cao chiết thảo dược dùng trong nghiên cứu đều có khả năng ức chế sự phát triển của V. harveyi V. parahaemolitycus. Cụ thể, thầu dầu cho thấy khả năng kháng V. harveyi V. parahaemolitycus rất tốt với đường kính vòng kháng khuẩn tương ứng là 18,0±1,4 mm và 17,5±0,7 mm.

Nhóm cao chiết mật gấu, chùm ngây, ô rô, sài đất có khả năng kháng V. harveyi ở mức trung bình (đường kính vòng kháng khuẩn ≥ 10 mm), trong khi lưỡi rắn và lược vàng thì gần như không thể hiện được hoạt tính kháng khuẩn đối với chủng vi khuẩn này (Hình 1). Tuy nhiên, đối với V. parahaemolitycus, nhóm cao chiết mật gấu, chùm ngây, ô rô, sài đất cho thấy hiệu quả thấp hơn (đường kính vòng kháng khuẩn ≥ 8,0 – 9,5 mm), cây lưỡi rắn và lược vàng cũng cho hiệu quả tương tự 7,0 mm và 7,5 mm.

MIC và MBC của thảo dược đối với vi khuẩn V. harveyi và V. parahaemolyticus

Kết quả xác định hoạt tính kháng khuẩn cho thấy cao chiết thầu dầu kháng tốt (nhạy) đối với hai chủng vi khuẩn V. harveyi V. parahaemolitycus gây bệnh trên tôm, cho nên cao chiết thầu dầu sẽ được sử dụng để tiếp tục xác định MIC và MBC. Nghiên cứu cho thấy, cao chiết từ cây thầu dầu có khả năng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn V. harveyi (1,25 mg/ ml) và V. parahaemolitycus (2,5 mg/ml) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu được tìm thấy đối với hai chủng vi khuẩn này tương ứng là 2,5 mg/ml và 5,0 mg/ml.

Kết luận

Chất chiết thầu dầu có hoạt tính kháng khuẩn cao nhất trong bảy loại chất chiết thảo dược được khảo sát. Khả năng kháng khuẩn của chất chiết thầu dầu đối với vi khuẩn V. harveyi cao hơn so với V. parahaemolitycus. Thông qua các kết quả đạt được, cao chiết thầu dầu có thể sử dụng như một chất có khả năng diệt khuẩn và có tiềm năng là nguồn thực phẩm giúp tôm nuôi tăng cường khả năng kháng vi khuẩn V. harveyi gây bệnh Phát sáng và V. parahaemolitycus gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính.

Theo nghiên cứu của Hồng Mộng Huyền & cs. (2018). Đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 54, Số chuyên đề: Thủy sản (2018)(2): 143-150

Hà Anh