Tái cơ cấu nghề nuôi tôm: Nói dễ, làm khó

Các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi tôm bền vững chưa đi vào cuộc sống nên nhiệm vụ tái cơ cấu nghề nuôi tôm gặp nhiều trở ngại.

Nuôi tôm rất khó thành công với hạ tầng vùng nuôi sơ sài. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Hoang hóa nhiều vùng nuôi tôm

Nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của UBND xã Tam Phú (Tam Kỳ), từ đầu năm đến nay nông hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng 70ha/80ha nhưng số diện tích tôm chết đã là 50ha. Quan sát của chúng tôi những ngày này ở xã Tam Phú, nhiều cánh đồng tôm hoang hóa ở thôn Quý Thượng hay Phú Quý.

Ông Phan Văn Cả (thôn Quý Thượng) nói, cứ thả nuôi là tôm chết. Nguyên nhân do “sốc” thời tiết, hễ nắng mưa đột ngột là môi trường nước biến động, tôm nuôi không thích ứng được chết đỏ ao. “Tôi cải tạo ao nuôi tôm kỹ càng, đắp bờ ao khá kiên cố, đóng giếng để hút nước ngầm nuôi tôm thay cho dùng nước sông Trường Giang bấy lâu nay nhưng vẫn thua lỗ” – ông Cả nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do thời tiết không thuận lợi, con giống chất lượng khan hiếm, giá vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thủy sản, tiền điện tăng cao nên các hộ nuôi có tôm chết không dám tái đầu tư khiến cho các vùng nuôi tôm hoang hóa.

Từ xã Tam Phú đến các vùng nuôi tôm ở Tam Thăng (Tam Kỳ) hay Tam Tiến (Núi Thành) đều bắt gặp cảnh thất bát, tôm chết hàng loạt, nhiều diện tích nuôi bỏ không. Công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm gặp rất nhiều hạn chế. Khi tôm bị bệnh, hầu hết hộ nuôi không khai báo hay nhờ tư vấn từ ngành chức năng mà tự xử lý bệnh cho tôm theo kinh nghiệm hoặc tư vấn của các công ty, đại lý cung cấp tôm giống, thức ăn nuôi tôm.

Ngành thủy sản thiếu biên chế nên việc khảo sát, điều tra, thu thập số liệu tôm nuôi bị bệnh chậm được cập nhật. Khi tôm nuôi bị bệnh, Chi cục Chăn nuôi & thú y phải gửi mẫu tôm ra Đà Nẵng xét nghiệm, chờ kết quả khá lâu nên khuyến cáo người dân xử lý bệnh cho tôm không kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Luận – Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho rằng, người dân nuôi tôm tự phát nên rất khó thành công. Khi khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì không biết đến bao giờ nghề nuôi tôm nước lợ mới khởi sắc.

Theo ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (Duy Xuyên), từ đầu năm đến nay người nuôi tôm trên địa bàn thả nuôi 50ha/78ha, nhưng nhiều diện tích tôm chết do các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy… Trên địa bàn có một số vùng nuôi tôm tập trung nhưng không phát huy hiệu quả. Bệnh trên tôm nuôi lây lan nhanh và chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Bài toán tái cơ cấu

Ngành thủy sản và các địa phương ven biển đã có nhiều động thái tái cơ cấu nghề nuôi tôm nhưng đến nay chưa thu được kết quả. TP.Tam Kỳ nhiều năm qua đã hỗ trợ người nuôi tôm tập trung ở xã Tam Phú nhưng khi triển khai thì tôm nuôi chết hàng loạt. Sở NN&PTNT cũng triển khai các hình thức hỗ trợ cho nuôi tôm VietGAP nhưng thực tế không có nông hộ đủ điều kiện tiếp nhận.

Ông Ngô Lê Hoàng Vũ – cán bộ thủy sản của UBND xã Tam Phú cho rằng, điểm yếu lớn nhất của nghề nuôi tôm địa phương là hạ tầng không đảm bảo. Bởi vậy, Nhà nước cần kiện toàn lại hạ tầng cho vùng nuôi, đầu tư kênh cấp, kênh thoát nước, đầu tư giao thông, điện, thủy lợi bài bản thì mới có thể kỳ vọng khởi sắc nuôi tôm. “Đây là điều kiện cần để hạn chế phát sinh bệnh trên tôm nuôi và tránh lây lan bệnh thành dịch uy hiếp cả vùng nuôi tôm rộng lớn” – ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Văn Tài cho rằng, Nhà nước cần triển khai thí điểm vùng nuôi tôm sạch, nuôi tôm công nghệ cao để khi thành công người nông dân sẽ tham quan, học hỏi, lan tỏa cách đầu tư bài bản, khoa học cho nghề nuôi tôm. Tỉnh có cơ chế thiết thực thu hút đầu tư nuôi tôm của doanh nghiệp lớn làm đầu tàu liên kết với người nông dân. Có như vậy mới giải quyết được vấn nạn nuôi tôm thiếu an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, dù biết hạ tầng chưa đảm bảo nhưng đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tôm cần nguồn lực rất lớn, khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, trong khi chờ đợi đầu tư lớn của Nhà nước thì người nuôi tôm chủ động áp dụng mô hình nuôi tôm tiên tiến theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Người nuôi tôm cần áp dụng khoa học kỹ thuật thay thế cách nuôi truyền thống để thích ứng với biến đổi khí hậu; nuôi tôm khép kín, sử dụng các vật tư bổ trợ cần thiết trong suốt quá trình thả nuôi tôm như khoáng chất, vitamin… để giảm rủi ro, giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận trong tình hình khó khăn của nghề nuôi tôm hiện nay.

NGUYỄN QUANG

Báo Quảng Nam