Phương án phát triển ngành hàng tôm

Sau loạt bài “Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm”, phóng viên báo Cà Mau đã gặp gỡ, phỏng vấn ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề này, nhằm phản ánh rõ hơn những định hướng và giải pháp phát triển chuỗi liên kết ngành tôm của tỉnh thời gian tới.

 

– Ông đánh giá về hiệu quả của hoạt động kinh tế tập thể đối với ngành hàng tôm của tỉnh Cà Mau thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Châu Công Bằng: Tính đến tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 197 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 172 HTX đang hoạt động, 25 HTX ngưng hoạt động. Trong đó có 99 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng tôm, chiếm 50% trên tổng số HTX nông nghiệp, với 1.794 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 105 tỷ đồng.

Nhìn chung, tình hình hoạt động của các HTX trong lĩnh vực ngành hàng tôm thời gian qua đã từng bước phát huy được vai trò, sức mạnh của kinh tế tập thể, đem lại lợi ích và thu nhập cho thành viên. Một số HTX dần thích nghi với cơ chế thị trường, một số HTX có ký kết hợp đồng với các đối tác, quan tâm công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm; bước đầu hình thành được các HTX kiểu mới theo hướng liên doanh – liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá cho thành viên, phát huy vai trò, sức mạnh của đơn vị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh… Bên cạnh đó, giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân ngày càng ổn định.


Ngành tôm Cà Mau sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu quy mô tập trung, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

– Ðịnh hướng trong thời gian tới Cà Mau sẽ có những chủ trương, giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết đối với ngành hàng tôm của tỉnh, thưa ông?

Ông Châu Công Bằng: Về công tác tuyên truyền, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương và cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu, rộng trong Nhân dân. Có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể; có chiến lược quy hoạch các vùng nguyên liệu tiềm năng đáp ứng được nhu cầu của công ty, doanh nghiệp; có chính sách hay huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân và công ty trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Ðẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau giữa nông dân, tổ hợp tác (THT), HTX và doanh nghiệp, trong đó HTX làm nòng cốt; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm, từng bước nâng cao tỷ lệ giá trị sản phẩm tôm, góp phần phát triển nhanh, mạnh, bền vững ngành hàng tôm Cà Mau trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất ngành hàng tôm để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo thế mạnh của từng địa phương, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng thương hiệu ngành hàng tôm Cà Mau, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm của các HTX, ưu tiên cho các HTX có tham gia liên kết để tạo điều kiện nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng tôm của tỉnh. Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, xây dựng website quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm. Phối hợp tổ chức các cuộc hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các HTX, THT trên địa bàn, tạo môi trường, cơ hội để các chủ thể gặp gỡ, xúc tiến liên kết.

 

– Chúng ta đã xây dựng chuỗi liên kết đối với ngành hàng tôm, bên cạnh thành công của nhiều HTX thời gian qua, vẫn tồn tại những hạn chế. Vấn đề này ngành chức năng sẽ khắc phục như thế nào?

Ông Châu Công Bằng: Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào ngành hàng tôm, liên kết sản xuất. Hỗ trợ, xây dựng cơ sở dữ liệu cho THT, HTX, vùng nguyên liệu (quy mô, vốn, năng lực thành viên, khả năng liên kết, trình độ sản xuất, các chứng nhận đã có…) giúp chuỗi liên kết được minh bạch, tạo dựng uy tín, độ tin cậy cao trong việc ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Song song đó là củng cố, thành lập, kiện toàn, nâng cao năng lực cho HTX; phối hợp rà soát, khắc phục các hạn chế, yếu kém từng chuỗi liên kết giúp hoạt động sản xuất được duy trì, phát triển ổn định. Lựa chọn doanh nghiệp và HTX, THT có uy tín, có đủ năng lực, điều kiện tham gia ký kết cung ứng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.

Các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, lấy chữ tín làm đầu và tạo ra nhiều cơ chế thu hút sự tham gia của các bên, cũng như cần có cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân để bảo đảm nguồn cung ứng bền vững; xây dựng khu vùng nuôi có chứng nhận quốc tế riêng của các công ty/doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và phải tuân thủ triệt để quy trình sản xuất đã được đưa ra bởi nhà khoa học hay ràng buộc của công ty, doanh nghiệp.

 

– Ðể phát triển ngành hàng tôm đúng định hướng, Cà Mau đã có những quy hoạch thế nào đối với ngành hàng chủ lực của tỉnh, thưa ông?

Ông Châu Công Bằng: Tỉnh luôn quan tâm đến lập quy hoạch tổng thể để phát triển. Hiện nay, UBND tỉnh đã và đang triển khai lập quy hoạch tổng thể tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có Phương án bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030 gắn liền với phương án phát triển cảng cá, khu neo đậu trú bão cho tàu cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, hạ tầng phát triển giống và nuôi thuỷ sản. Ðồng thời, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản nghiên cứu đề xuất phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và làm cơ sở chỉ đạo.

Ðịnh hướng quy hoạch phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khai thác tiềm năng diện tích, khoa học công nghệ để hình thành các vùng sản xuất tôm tập trung, với loại hình và công nghệ phù hợp điều kiện tự nhiên, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng xu hướng, nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.


Mô hình nuôi tôm sinh thái, xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển.

Quy hoạch phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thể hiện chi tiết về vị trí, quy mô, diện tích của các vùng sản xuất tôm theo các hình thức canh tác và đề xuất đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, phương án sản xuất phục vụ việc đầu tư thực hiện. Vùng phát triển ngành tôm không chồng chéo với những ngành, lĩnh vực khác, đảm bảo việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh và theo hướng bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường.

Chủ động sản xuất, kiểm soát chất lượng và tổ chức cung ứng đủ tôm giống đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất trong tỉnh. Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Ðồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu quy mô tập trung, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau. Phát triển sản xuất ngành tôm gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau. Chủ động phát triển công nghiệp phụ trợ, cung ứng vật tư, dịch vụ hậu cần để thúc đẩy ngành tôm trong tỉnh phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Ðặng Duẩn thực hiện

Theo Báo Cà Mau