Phòng và trị bệnh cho tôm bằng cao thảo dược

Khảo sát và nghiên cứu của nhóm tác giả tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cho thấy, một số loại cao chiết từ thảo dược của Việt Nam có thể phòng và trị bệnh đốm trắng và gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng.

 

Thời gian qua, việc nuôi thâm canh tôm với số lượng lớn, mật độ cao ở nước ta đã dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của nhiều bệnh dịch nguy hiểm, nhất là hội chứng đốm trắng và hội chứng gan tụy cấp. Trong khi đó, việc sử dụng kháng sinh và hóa chất để phòng và trị dịch bệnh ở ao nuôi tôm đã tác động tiêu cực đến chất lượng tôm (dư lượng thuốc) và ô nhiễm môi trường.

Nhằm hạn chế vấn đề trên, việc sử dụng thảo dược trong phòng và trị bệnh thủy sản đang ngày càng trở nên phổ biến, bởi thảo dược được xem là một nguồn thay thế đầy tiềm năng cho các loại kháng sinh.

Để tìm ra một số loại thảo dược bản địa có hoạt tính kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus pVPA3-1 (V. parahaemolyticus) gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và kháng virus White spot syndrome (WSSV) gây bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng, nhóm tác giả ở Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã thu thập và chiết cao của 32 loài thảo dược thuộc 4 nhóm cây (cây ăn quả, cây thân cỏ, cây ngập mặn và cây thuốc/gia vị) có hoạt tính kháng khuẩn và kháng virus.

Thu thập một số loại thảo dược (Ảnh: NNC)

 

Nhóm đã tiến hành đánh giá hoạt tính in vitro của các loài cây này đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch và khảo sát nồng độ ức chế tối thiểu (MIC), nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC). Kết quả, 21 trong tổng số 32 thảo dược có hoạt tính ức chế khá tốt trên vi khuẩn V. parahaemolyticus, và 15 loại cao chiết các cây có tiềm năng kháng virus WSSV.

Tiếp đó, nhóm đánh giá in vitro hoạt tính kháng virus WSSV và V. parahaemolyticus của cao thảo dược bằng phương pháp tiêm trực tiếp (dịch virus, vi khuẩn được trộn chung với cao thảo dược ở các nồng độ pha loãng với nhau) vào tôm. Kết quả, 8 loại cao (đưng, dà vôi, ổi, mấm trắng, cỏ mực, cóc trắng, diệp hạ châu, đước) có khả năng kháng mạnh với virus WSSV, trong khi các cao khác kháng yếu hoặc không kháng. Đối với vi khuẩn V. parahaemolyticus, có 6 loại (diệp hạ châu, sim, bạch chỉ, riềng, chanh, trầu không).

Thử nghiệm cao chiết thảo dược trên tôm thẻ chân trắng (Ảnh: NNC)

Nhóm tác giả cũng thử nghiệm cho tôm ăn thức ăn có trộn cao thảo dược liên tục trong 14 ngày. Sau đó, virus và vi khuẩn được cảm nhiễm vào tôm (bằng phương pháp ngâm tôm trực tiếp vào các nồng độ virus, vi khuẩn pha loãng trong 6 giờ để tạo mô hình tôm bệnh gần giống nhất với điều kiện nuôi tự nhiên. Kết quả, hoạt tính kháng V. parahaemoliticus của cao bạch chỉ cho kết quả tốt nhất, và với virus WSSV là cao cỏ mực (với tỷ lệ sống trên 50%).

Kết quả nghiên cứu trên của nhóm đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, tạo tiền đề để sản xuất các chế phẩm từ thảo dược phòng và trị bệnh cho tôm thẻ chân trắng, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Kiều Anh

Khoa học & Phát Triển